|
Đánh giá mới cho thấy 25% loài cá nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng và ít nhất 17% loài cá nước ngọt bị đe dọa đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Ảnh: UICN |
Bản cập nhật, được IUCN công bố tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP28 đang diễn ra ở UAE, cũng đồng thời phản ánh các mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với cá hồi Đại Tây Dương, rùa xanh… và tác động của việc khai thác và buôn bán trái phép gỗ gụ.
Tiến sĩ Grethel Aguilar, Tổng Giám đốc IUCN cho biết: “Biến đổi khí hậu đang đe dọa sự đa dạng của sự sống trên hành tinh chúng ta và làm suy yếu khả năng của thiên nhiên trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người”.
Bản cập nhật Sách đỏ IUCN này nêu bật mối liên hệ chặt chẽ giữa khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học - những vấn đề cần phải được giải quyết đồng thời. Sự suy giảm số lượng loài là một minh chứng về sự tàn phá do biến đổi khí hậu gây ra mà chúng ta vốn có thể ngăn chặn bằng các hành động khẩn cấp và đầy tham vọng, nhằm kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức dưới 1,5 độ C.
Tình trạng các loài cá nước ngọt trên thế giới
Bản cập nhật mới này là đánh giá toàn diện đầu tiên về tình hình các loài cá nước ngọt trên thế giới, cho thấy 25% (3.086 trong số 14.898 loài được đánh giá) có nguy cơ tuyệt chủng. Ít nhất 17% các loài cá nước ngọt bị đe dọa cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, từ những tác động như mực nước giảm, chuyển mùa và nước biển dâng lên các con sông.
Cá nước ngọt chiếm hơn một nửa số loài cá được biết đến trên thế giới - một sự đa dạng hết sức đặc biệt vì hệ sinh thái nước ngọt chỉ chiếm 1% môi trường sống dưới nước. Những loài đa dạng này không thể thiếu đối với hệ sinh thái và rất quan trọng đối với khả năng phục hồi của nó.
Bà Kathy Hughes, đồng Chủ tịch nhóm chuyên gia về cá nước ngọt của IUCN cho biết điều này rất cần thiết đối với hàng tỷ người sống dựa vào hệ sinh thái nước ngọt và hàng triệu người sống dựa vào nghề cá. Theo bà, “đảm bảo các hệ sinh thái nước ngọt được quản lý tốt, duy trì dòng chảy tự do với lượng nước đầy đủ và chất lượng nước tốt là điều cần thiết để ngăn chặn sự suy giảm của các loài và duy trì an ninh lương thực, sinh kế và nền kinh tế trong một thế giới thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Theo dữ liệu, từ năm 2006 đến năm 2020, quần thể cá hồi Đại Tây Dương trên toàn cầu đã giảm 23%, với mức xếp loại từ “ít được quan tâm nhất” trước đây giờ đã lên mức “gần như bị đe dọa” trong Sách đỏ IUCN.
IUCN cho biết sự nóng lên toàn cầu đang ảnh hưởng đến “tất cả các giai đoạn” trong vòng đời của cá hồi Đại Tây Dương, làm giảm nguồn thức ăn sẵn có, cho phép các loài ngoại lai xâm lấn mở rộng phạm vi, và làm tăng cái chết của cá hồi con do ô nhiễm nguồn nước, chủ yếu liên quan đến khai thác gỗ và nông nghiệp.
Trong khi đó, các quần thể rùa xanh ở Trung Nam Thái Bình Dương và Đông Thái Bình Dương cũng lần lượt được phân loại là “có nguy cơ tuyệt chủng” và “dễ bị tổn thương” trong bản cập nhật Sách đỏ IUCN.
Theo IUCN, nhiệt độ nước biển tăng làm giảm tỷ lệ nở thành công, và cỏ biển - nguồn thức ăn của rùa xanh cũng dễ bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên của đại dương và thay đổi dòng hải lưu do thời tiết khắc nghiệt. Mực nước biển dâng cao đe dọa làm ngập tổ và chết đuối con non, trong khi rùa xanh trưởng thành thường bị chết do đánh bắt ngẫu nhiên trong quá trình đánh bắt công nghiệp và thủ công. Số lượng cũng giảm khi người ta thu hoạch rùa xanh và trứng của chúng để ăn hoặc bán ở chợ.
Đáng chú ý, nhu cầu không ngừng về cây gỗ gụ lá to (Swietenia macrophylla) tiếp tục đặt ra mối đe dọa lớn. Là một trong những cây lấy gỗ được săn lùng nhiều nhất về mặt thương mại trên thế giới, cây gỗ gụ lá to đã được phân loại lại từ “dễ bị tổn thương” thành “có nguy cơ tuyệt chủng” trong Sách đỏ IUCN. Thông tin mới tiết lộ rằng số lượng cây gỗ gụ trên khắp Trung và Nam Mỹ đã giảm ít nhất 60% trong 180 năm qua, do việc khai thác gỗ không bền vững, cũng như sự xâm lấn của nông nghiệp và đô thị vào các khu rừng nhiệt đới nơi nó mọc lên.
Những nỗ lực bảo tồn hiệu quả
Bên cạnh những cảnh báo, danh sách cập nhật cũng cho thấy sức mạnh của những nỗ lực bảo tồn.
|
Linh dương sừng kiếm (Oryx dammah) từng biến mất khỏi tự nhiên đã được các nhà bảo tồn đưa trở lại Tchad. Ảnh: Wikipedia |
Tình trạng của linh dương sừng kiếm (Oryx dammah) đã được cải thiện, chuyển từ loài “tuyệt chủng trong tự nhiên” thành “có nguy cơ tuyệt chủng” sau khi các nhà bảo tồn tái giới thiệu thành công loài này ở Tchad.
Loài linh dương saiga (Saiga tatarica), sống trên khắp Kazakhstan, Mông Cổ, Nga và Uzbekistan, cũng được cải thiện từ mức “cực kỳ nguy cấp” sang mức “gần như bị đe dọa”. Số lượng linh dương saiga ở Kazakhstan - nơi sinh sống của 98% tổng số, đã tăng 1.100% trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2022 và đạt 1,3 triệu con vào tháng 5/2022 nhờ các biện pháp thực thi chống săn trộm nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, cả hai loài đều có nguy cơ bị đe dọa ngày càng tăng do biến đổi khí hậu ở những khu vực chúng sinh sống.
Linh dương sừng kiếm phải đối mặt với hạn hán thường xuyên và nghiêm trọng hơn ở vùng Sahel của châu Phi. Và theo các tác giả, vào năm 2015, linh dương saiga đã phải chịu “tử vong hàng loạt” do “nhiệt độ và độ ẩm cao bất thường” trong khu vực.
“Để đảm bảo kết quả của hành động bảo tồn được bền vững, chúng ta cần giải quyết dứt điểm các cuộc khủng hoảng về khí hậu và đa dạng sinh học vốn có mối liên hệ với nhau”, Chủ tịch IUCN Razan Al Mubarak nhấn mạnh.