Thế giới

Lạc quan triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu năm 2022

ClockThứ Tư, 02/02/2022 22:06
TTH - Với những dự báo đầy triển vọng cho nền kinh tế toàn cầu và khu vực, năm 2022 được kỳ vọng sẽ là một năm lạc quan, tác động của đại dịch COVID-19 sẽ dần vơi đi và nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi hoàn toàn. Trong đó, các thị trường mới nổi châu Á nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng sẽ có triển vọng tăng trưởng tích cực.

Nền kinh tế thế giới sẽ vượt mốc 100 nghìn tỷ USD vào năm 2022RCEP sẽ mở ra “kỷ nguyên châu Á” mớiCùng nhau phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trong năm mới 2022Nhìn lại nền kinh tế toàn cầu & triển vọng cho tương laiIMF: Hàn Quốc vẫn là nền kinh tế lớn thứ 10 toàn cầu trong 2022

Sự cải thiện về chuỗi cung ứng là một trong những yếu tố góp phần vào tăng trưởng GDP tích cực trong năm 2022. Ảnh minh họa: TTXVN

Tăng trưởng bất chấp lạm phát

Sự gia tăng lạm phát toàn cầu khiến các nhà đầu tư lo lắng về tăng trưởng trong tương lai. Song, các nhà kinh tế của Ngân hàng Đầu tư Morgan Stanley (Mỹ) cho rằng, sự tăng giá sẽ hạ nhiệt, nhường chỗ cho tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu ở mức 4,7% vào năm 2022.

Trong đó, chính sách tiền tệ có thể sẽ được thắt chặt, nhưng ít hơn những gì các nhà đầu tư lo ngại, cùng với mức chi tiêu vốn mạnh, cũng như sự cải thiện về chuỗi cung ứng và các điều kiện bình thường hóa khác.

Tại Mỹ, nhà kinh tế trưởng Ellen Zentner của Ngân hàng Morgan Stanley nói rằng, chuỗi cung ứng của Mỹ đang trên đà phục hồi và mức tăng giá hàng hóa cũng sẽ giảm dần.

Theo Công ty Bảo hiểm tín dụng Euler Hermes (Pháp), sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ được cải thiện vào nửa cuối năm 2022. Sự cải thiện nhờ vào nhu cầu của người tiêu dùng, được cho là đã đạt đến đỉnh điểm. Từ đó, các chuỗi cung ứng có thể sẽ chịu ít áp lực hơn.

Ngoài ra, lượng hàng lưu kho đã trở lại mức trước đại dịch. Các nhà sản xuất đã gấp rút tái cung cấp để đối phó với sự phục hồi chưa từng có về nhu cầu. Trong hầu hết các lĩnh vực, lượng hàng lưu kho đã cao hơn mức trung bình dài hạn trước cuộc khủng hoảng. Vào nửa cuối năm 2022, tình trạng tắc nghẽn vận tải cũng dự kiến ít trầm trọng hơn, nhờ công suất vận tải tăng lên.

Đáng chú ý, các ngân hàng khác cũng có chung dự báo triển vọng tích cực này. Hãng dịch vụ tài chính J.P. Morgan nói rằng, năm 2022 sẽ là một năm tuyệt vời và sẽ đánh dấu sự cải thiện to lớn so với 2 năm qua.

Ông Marko Kolanovic, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của J.P. Morgan, nhận định: “Năm 2022 sẽ là năm phục hồi toàn cầu hoàn toàn. Điều này được đảm bảo bằng việc đạt được khả năng miễn dịch trên diện rộng với COVID-19 và sự hỗ trợ bởi năng lực của con người, chẳng hạn như các phương pháp trị liệu mới dự kiến sẽ được phổ biến rộng rãi trong năm mới”.

Báo cáo của ngân hàng lớn nhất Mỹ nói thêm, khi đại dịch dần biến mất, người tiêu dùng sẽ chuyển hướng chi tiêu từ hàng hóa sang dịch vụ. Trong khi đó, các nút thắt trong chuỗi cung ứng sẽ được nới lỏng và toàn cầu hóa sẽ giữ giá cả hàng hóa ở mức kiểm soát.

Những tín hiệu mang nhiều mong đợi

Nhu cầu tăng vọt và hạn chế về nguồn cung đang gây nên những ảnh hưởng khác nhau đến các thị trường toàn cầu. Đơn cử, ở châu Âu, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho rằng, lạm phát sẽ giảm từ 4,1% vào cuối năm 2021 xuống còn 3,1% vào quý I/2022 và cuối cùng sẽ giảm xuống dưới tỷ lệ lạm phát mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là 2%. Điều này cho thấy, nền kinh tế châu Âu đang trên đà phục hồi trở lại mức tiền đại dịch vào cuối năm 2021 và sẵn sàng chứng kiến mức tăng trưởng GDP 4,6% vào năm 2022 nhờ thị trường lao động mạnh mẽ hỗ trợ cải thiện chi tiêu người tiêu dùng.

Được biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu giảm bớt việc mua tài sản của mình và cũng theo các nhà kinh tế của Morgan Stanley, FED có thể đợi đến đầu năm 2023 mới tăng lãi suất và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có khả năng giữ nguyên lãi suất cho đến cuối năm 2023. Ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều ngân hàng trung ương đã bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, đầu tư kinh doanh đã phục hồi nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Trưởng nhóm Kinh tế Toàn cầu của Morgan Stanley Seth Carpenter nhận định: “Sự phục hồi được thúc đẩy bởi chi tiêu đầu tư có thể lâu bền và nếu đầu tư vốn mới tạo ra tiến bộ công nghệ cao hơn, năng suất cũng có thể sẽ được thúc đẩy, từ đó giảm bớt áp lực lạm phát và cho phép nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ”. Tất cả các yếu tố có thể góp phần giữ cho GDP toàn cầu đi theo con đường tăng trưởng như mức tiền đại dịch COVID-19.

Triển vọng các thị trường mới nổi châu Á và Việt Nam

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley tin rằng, các thị trường mới nổi sẽ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới, với GDP trung bình đạt 4,9%. Đáng chú ý, các thị trường mới nổi châu Á, trong đó có Việt Nam, được dự báo có triển vọng tăng trưởng tốt hơn đáng kể khi tốc độ tăng trưởng GDP ở khu vực châu Á (không bao gồm Nhật Bản) vượt trội ở mức 5,7%. Theo Morgan Stanley, Ấn Độ và Indonesia đang có sự phục hồi tích cực nhờ các cải cách cơ cấu theo hướng thân thiện với doanh nghiệp, đầu tư vốn mạnh và tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tăng.

Với Việt Nam, dù chịu tác động mạnh của các đợt bùng phát đại dịch COVID-19 trong năm 2021, Việt Nam vẫn được Focus Economics dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hàng đầu trong khu vực vào năm 2022. Sự gia tăng trong chi tiêu tiêu dùng và vốn, kết hợp với đà tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực bên ngoài sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới. HSBC ngày 13/12 nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng 6,8% trong năm 2022, phần lớn nhờ tái thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, kinh tế Việt Nam cũng từng bước thu được “trái ngọt” từ những Hiệp định thương mại tự do được ký kết trong 2 năm trở lại đây.

Trong một dự báo được đưa ra cuối tháng 11/2021, Focus Economics thậm chí còn kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng đến 7,2% trong năm 2022 và năm 2023 là 6,8%, khi Việt Nam đang nổi lên như một “điểm đến” cho làn sóng dịch chuyển đầu tư mới, là địa điểm đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, với những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, chi phí nhân công, cũng như định hướng đúng đắn và sự hỗ trợ của Chính phủ.

Theo Bloomberg, một trong những tin vui với Việt Nam trong những ngày cuối năm 2021 là Tập đoàn sản xuất đồ chơi trẻ em nổi tiếng của Đan Mạch - Lego - đã chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy thứ 6 trên thế giới và thứ 2 ở châu Á, với tổng đầu tư lên đến 1 tỷ USD, góp phần tạo ra 4.000 việc làm mới. Bên cạnh nhiều ưu thế, Giám đốc điều hành của Lego - ông Carsten Rasmusssen cho rằng, việc theo đuổi mục tiêu năng lượng sạch, phát triển bền vững kinh tế xanh của Chính phủ Việt Nam chính là điểm sáng để Lego rót vốn vào thị trường này.

Bài: Tố Quyên - Thanh Thảo - Hạnh Nhi 

(Tổng hợp và lược dịch từ Morgan Stanley, CNBC, Fortune, Focus-Economics, Bloomberg & HSBC)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kinh tế phục hồi và tăng trưởng

Với sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, 6 tháng đầu năm nay tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn TP. Huế đạt được nhiều kết quả quan trọng, lĩnh vực du lịch tăng trưởng mạnh, thu ngân sách đảm bảo kế hoạch đề ra…, tạo bứt phá để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch 6 tháng cuối năm.

Kinh tế phục hồi và tăng trưởng
Giữ gìn nguồn nước

Tốc độ phát triển kinh tế nhanh, dẫn đến nhu cầu sử dụng nguồn nước tăng cao, cộng với biến đổi khí hậu (BĐKH) khiến an ninh nguồn nước ở các địa phương tại Thừa Thiên Huế bị đe dọa. Việc lập quy hoạch, kế hoạch, phương án quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này là nhiệm vụ quan tâm hàng đầu.

Giữ gìn nguồn nước
Xây dựng kịch bản tăng trưởng quý III và 6 tháng cuối năm

Báo cáo kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh tại phiên họp thường kỳ tháng 6 diễn ra sáng 26/6 đã chỉ ra nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đã có bước tăng trưởng tích cực, đặc biệt, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ước đạt 6,01%, xếp thứ 10/14 các tỉnh/thành Vùng Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung, xếp thứ 36/63 tỉnh/thành cả nước.

Xây dựng kịch bản tăng trưởng quý III và 6 tháng cuối năm
Return to top