Thế giới

Mỹ phê duyệt vaccine ngừa virus chikungunya đầu tiên trên thế giới

ClockThứ Sáu, 10/11/2023 14:50
TTH.VN - Theo tin từ CNN, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 9/11 cho biết đã phê duyệt loại vaccine đầu tiên trên thế giới nhằm ngăn ngừa bệnh do virus chikungunya gây ra.

Thử nghiệm vaccine ngừa bệnh sốt chikungunya cho kết quả khả quanBiến đổi khí hậu dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh do muỗi truyền ngày càng tăng

Bệnh Chikungunya do muỗi truyền, không có cách điều trị cụ thể và có thể gây suy nhược, thậm chí gây tử vong cho trẻ sơ sinh. Ảnh: Homeopathyforfree/TTXVN   

Vaccine đơn liều - sẽ được bán trên thị trường với tên Ixchiq, do Valneva Austria GmbH của châu Âu sản xuất, được phê duyệt cho những người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ tiếp xúc với virus cao hơn.

Chikungunya, một căn bệnh do muỗi truyền, không có cách điều trị cụ thể và có thể khiến trẻ sơ sinh bị suy nhược, thậm chí gây tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các chuyên gia y tế coi đây là “mối đe dọa mới nổi đối với sức khỏe toàn cầu”, đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu, với ít nhất 5 triệu ca nhiễm bệnh trong 15 năm qua, mặc dù chuyển bệnh nặng và tử vong là rất hiếm.

Những người có nguy cơ nhiễm chikungunya cao nhất sống ở châu Phi, Đông Nam Á và một số vùng của châu Mỹ, nơi muỗi mang virus chikungunya là loài đặc hữu, nhưng cuộc khủng hoảng khí hậu đã đẩy virus này lan đến những khu vực mới trên thế giới.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết trước năm 2006, virus này hiếm khi được tìm thấy ở khách du lịch Mỹ, nhưng nhiều nghiên cứu sau đó đã xác định được vài chục trường hợp mắc chikungunya ở những du khách Mỹ từ năm 2006 đến năm 2013. Vào cuối năm 2014, các ca nhiễm bắt nguồn từ lây truyền tại địa phương đã được báo cáo ở những vùng ấm hơn ở nước này, như Florida, Texas, Puerto Rico và Quần đảo Virgin… Theo FDA, virus chikungunya đã lây lan sang các khu vực địa lý mới, gây ra sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh trên toàn cầu.

Những người mắc chikungunya thường bị sốt và đau khớp, nhiều trường hợp cũng bị đau đầu, đau cơ và phát ban. Đối với một số người, cơn đau khớp có thể khiến họ suy nhược và có thể kéo dài nhiều năm. Nghiên cứu cho thấy khoảng 20% - 30% các trường hợp sẽ trở thành mãn tính. Đối với trẻ sơ sinh, chikungunya có thể được xem là “một mối đe dọa chết người”.

Được biết, vaccine Ixchiq được tiêm 1 liều và chứa phiên bản virus chikungunya sống đã được làm yếu đi, như tiêu chuẩn của các loại vaccine khác.

Vì không có cách điều trị cụ thể cho bệnh chikungunya nên các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng thuốc không kê đơn để kiểm soát cơn sốt hoặc cơn đau. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng vaccine là lựa chọn tốt nhất cho những người dễ bị nhiễm virus.

Trong một tuyên bố, Tiến sĩ Peter Marks - Giám đốc Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Sinh học của FDA, cho biết: “Nhiễm virus chikungunya có thể dẫn đến bệnh nặng và các vấn đề sức khỏe kéo dài, đặc biệt đối với người lớn tuổi và những người có bệnh lý tiềm ẩn”. Do đó, việc FDA phê duyệt vaccine Ixchiq sẽ “giải quyết một nhu cầu y tế chưa được đáp ứng và là một tiến bộ quan trọng trong việc ngăn ngừa một căn bệnh có khả năng gây suy nhược, nhưng chỉ có các lựa chọn điều trị hạn chế”.

Với sự chấp thuận của FDA, Ixchiq dự kiến sẽ được đẩy nhanh tốc độ triển khai ở những quốc gia nơi virus chikungunya phổ biến nhất. FDA cũng đang yêu cầu nhà sản xuất vaccine Valneva thực hiện một nghiên cứu sau khi đưa ra thị trường để có thể đảm bảo không có rủi ro nghiêm trọng nào đối với vaccine.

Với 2 thử nghiệm lâm sàng đã được thực hiện ở Bắc Mỹ trên 3.500 người, các tác dụng phụ phổ biến nhất được báo cáo trong các nghiên cứu đệ trình lên FDA để phê duyệt vaccine bao gồm đau đầu, đau cơ và khớp, sốt, đau nhức ở chỗ tiêm và mệt mỏi. Gần 2% số người tiêm vaccine gặp phản ứng bất lợi nghiêm trọng giống chikungunya cần can thiệp y tế. Chỉ có 2 trong số gần 3.500 người tham gia thử nghiệm phải đến bệnh viện vì phản ứng. Một số cũng có phản ứng phụ giống chikungunya kéo dài ít nhất 30 ngày.

BẢO NGHI (Lược dịch từ CNN)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực

Trong những năm gần đây, tầm quan trọng của vaccine đã và đang được nhấn mạnh. Đại dịch COVID-19 đã phơi bày khoảng cách về năng lực của nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi nói đến đảm bảo tiếp cận vaccine kịp thời. Tương tự như các khu vực khác, ASEAN đã nhận ra nhu cầu cấp thiết phải tăng cường hệ sinh thái/cơ sở hạ tầng vaccine bằng cách sử dụng sáng kiến An ninh và Tự lực vaccine (AVSSR) để đối phó với những vấn đề này.

ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực
Ráo riết phòng, chống sốt xuất huyết

Theo dự báo, số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) sẽ tăng cao trong thời gian tới do tác động của thời tiết. Trước sự xuất hiện song hành 2 loại muỗi Aedes Aegypti và Aedes Albopictus, ngành y tế khuyến cáo cần cảnh giác, giám sát liên tục, phát hiện, báo cáo các ca bệnh với cơ quan chức năng kịp thời.

Ráo riết phòng, chống sốt xuất huyết
Return to top