Giấy xét nghiệm COVID-19 giả. Ảnh minh hoạ: Hanoimoi
Vấn đề giấy chứng nhận Covid-19 giả được truyền thông Pháp quan tâm sau trường hợp một phụ nữ xuất trình loại giấy này khi đến khám tại bệnh viện Raymond-Poincare de Garches ở tỉnh Hauts-de-Seine. Người này sau đó đã tử vong do không được điều trị phù hợp. Theo các bác sĩ, nếu biết bệnh nhân chưa được tiêm vắc xin, họ đã điều trị bằng liệu pháp kháng thể và có cơ hội cứu sống cô.
Tại Latvia, cảnh sát cũng đã bắt giữ và xử lý hình sự khoảng 20 nhân viên y tế vì liên quan đến việc làm giả giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Theo giới phân tích, trong bối cảnh giấy chứng nhận tiêm chủng ngày càng được áp dụng rộng rãi làm “thẻ thông hành”, vấn nạn làm giả sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Cũng ở châu Âu, số ca nhiễm Covid-19 tại Nga đã chính thức vượt mốc 10 triệu.
Tại châu Á, ngày 13-12, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đại lục ghi nhận 101 ca mắc Covid-19 mới trong ngày 12-12, trong đó 80 ca lây nhiễm trong cộng đồng, và không có ca tử vong.
Hàn Quốc đang chuẩn bị tiến hành một dự án thí điểm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tính năng nhận diện khuôn mặt và hàng nghìn camera giám sát để theo dõi hoạt động của những người mắc Covid-19 tại thành phố Bucheon - nằm ở ngoại ô thủ đô Seoul.
Tại Đông Nam Á, Indonesia đã sẵn sàng để bắt đầu triển khai tiêm phòng Covid-19 cho trẻ từ 6 đến 11 tuổi từ ngày 14-12. Trong khi đó Thái Lan cho biết sẽ mở rộng chương trình tiêm mũi vắc xin tăng cường như một giải pháp ứng phó sớm biến chủng Omicron.
Tại Australia, ngày 13-12, bang Queensland đã mở cửa trở lại đối với tất cả những người đã tiêm vắc xin, sau gần 5 tháng đóng cửa. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Xứ Chuột túi chuẩn bị cho phép đi lại tự do trên hầu hết cả nước vào dịp lễ Giáng sinh, bất chấp sự lây lan đáng lo ngại của Omicron.
Đến 23h ngày 13-12, thế giới ghi nhận 270.600.177 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 5.325.079 người tử vong, 243.354.470 bệnh nhân đã bình phục.
Theo Hanoimoi