|
Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, lâu dài và cam kết sẽ cùng nhau phát triển hơn nữa trong tương lai. Ảnh minh hoạ: TTXVN/Báo Tin tức |
Truyền thông nước ngoài và cộng đồng ngoại giao đã và đang theo dõi chính sách đối ngoại của Campuchia để xác định hướng đi của nước này.
Được biết chỉ vài tuần sau khi nhậm chức, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã thực hiện hàng loạt chuyến công du nước ngoài vào tháng 9/2023, bao gồm đến thủ đô Jakarta của Indonesia để tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan, cũng như thăm chính thức thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), tham dự Hội chợ triển lãm Trung Quốc – ASEAN và đến New York (Mỹ) dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc lần thứ 78 (UNGA 78)…
Việt Nam sẽ là nước thứ ba mà Thủ tướng Campuchia Hun Manet chính thức ghé thăm vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, việc trao đổi các chuyến thăm cấp nhà nước và các chuyến thăm chính thức giữa lãnh đạo cấp cao, cũng như tiến hành các buổi trao đổi giữa các quan chức chính phủ của hai quốc gia đã và đang được thực hiện trên nhiều nền tảng và ở nhiều cấp độ. Điều này được thể hiện rõ nhất khi Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha đã có chuyến thăm hữu nghị và chính thức đến Việt Nam từ ngày 12 – 14/11 vừa qua, theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang.
Có thể nói rằng, sự thay đổi về lãnh đạo của Campuchia đã đặt ra câu hỏi về ngoại giao láng giềng của nước này sẽ như thế nào. Đồng thời, mối quan hệ Việt Nam – Campuchia sẽ ra sao trong kỷ nguyên mới, dưới sự lãnh đạo của Tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng là một vấn đề được quan tâm.
Trước những câu hỏi này, chính phủ Campuchia cho biết bất chấp thay đổi lãnh đạo, các nguyên tắc chính sách đối ngoại của Campuchia vẫn không thay đổi và Điều 53 của Hiến pháp vẫn khẳng định cam kết của Campuchia về quan điểm trung lập vĩnh viễn, không liên minh và chung sống hoà bình.
Trên thực tế, trong khuôn khổ quan hệ song phương với Việt Nam, Campuchia đã tuân thủ chính sách đối ngoại khi nước này trở thành láng giềng tốt bằng cách tăng cường quan hệ hữu nghị và mở rộng hợp tác không chỉ trong khuôn khổ song phương, mà còn hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Tại các diễn đàn khu vực, hai nước đã trao đổi quan điểm về những vấn đề có lợi cho cả hai nước. Mặt khác, trong khuôn khổ chính sách đối ngoại song phương với Campuchia, cũng không khác nhiều với nước láng giềng thân thiết, Việt Nam cũng coi Campuchia là người bạn, coi mối quan hệ tốt đẹp với Campuchia là ưu tiên hàng đầu và phải được vun đắp.
Theo đó, Campuchia và Việt Nam đã vun đắp tình hữu nghị và hợp tác lâu đời, với đặc điểm là sự tin cậy chính trị sâu sắc và hợp tác chức năng giữa các lĩnh vực. Quan hệ song phương giữa hai nước nhìn chung đã và đang ngày càng phát triển trên nhiều phương diện. Campuchia và Việt Nam nhất trí rằng việc tăng cường và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai bên là rất quan trọng đối với cả hai. Trong đó, chính sách đối ngoại song phương của Campuchia và Việt Nam đối với nhau đều nêu bật sức mạnh của mối quan hệ giữa hai nước.
Nhìn chung, quan hệ Việt Nam – Campuchia tiếp tục đa dạng hoá, cả trên cấp độ song phương và đa phương, đồng thời cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực mà đôi bên cùng quan tâm. Hai nước đang cùng nhau giải quyết những thách thức chung và thách thức trên toàn cầu, tăng cường liên lạc ở mọi cấp độ và trên nhiều nền tảng, đồng thời tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Điều này sẽ đảm bảo cả Campuchia và Việt Nam đạt được những thành tựu lớn hơn ở cấp quốc gia và toàn cầu.
Khi bày tỏ lập trường với nhau, lãnh đạo hai nước luôn nhấn mạnh cam kết tăng cường, mở rộng và nâng tầm quan hệ giữa hai bên lên một tầm cao mới, mang lại kết quả tốt đẹp và lợi ích thiết thực cho người dân hai nước, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Giới chuyên gia khẳng định, việc tăng cường quan hệ, hợp tác giữa hai bên là hoàn toàn cần thiết.
Là nước láng giềng trực tiếp, Việt Nam luôn ủng hộ nhân dân Campuchia độc lập lựa chọn con đường phát triển, con đường tiến lên phù hợp nhất với điều kiện đất nước, ủng hộ mọi cá nhân của Campuchia chung tay bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia. Đồng thời, Việt Nam cũng hỗ trợ người dân Campuchia thúc đẩy chương trình nghị sự lớn trong nước và phát triển kinh tế xã hội...
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Campuchia Hun Manet vẫn duy trì chính sách hiện nay đối với Việt Nam, dựa trên quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Mối quan hệ lịch sử lâu đời, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tình hữu nghị không thể chia cắt là di sản lớn nhất mà Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen để lại trong quan hệ Campuchia – Việt Nam mà Thủ tướng Hun Manet cần phát huy. Mối quan hệ lành mạnh và ổn định giữa hai bên có thể nói là vừa quan trọng, vừa cần thiết để làm sâu sắc thêm hợp tác thiết thực trên nhiều lĩnh vực.