|
Mối quan hệ thân thiện đang ngày càng thắt chặt hơn giữa hai nước láng giềng Campuchia và Việt Nam. Ảnh minh hoạ: Khmertimes.com/TTXVN/Vietnam+ |
Hiện, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba và lớn nhất trong khối ASEAN của Campuchia. Ghi nhận vào năm 2022, xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam tăng 9,25% và nhập khẩu từ Việt Nam cũng tăng 26,20% mỗi năm. Các số liệu này đánh dấu mức thâm hụt thương mại của Campuchia với Việt Nam tăng thêm 55,25% từ 1,158 tỷ USD ghi nhận vào năm 2021 lên 1,799 tỷ USD vào năm 2022.
Một năm trước đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Campuchia đạt tổng cộng 4,91 tỷ USD, với các mặt hàng chính bao gồm vải dệt kim cao su nhẹ ở mức 450 triệu USD, dầu mỏ tinh luyện ở mức 396 triệu USD và sắt thô trị giá 296 triệu USD. 21 năm qua, mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của Việt Nam sang Campuchia ghi nhận ở mức 16%, từ 217 triệu USD vào năm 2000 lên 4,91 tr USD vào năm 2021.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Manet vào ngày 12/10, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng đã bày tỏ vui mừng về mối quan hệ thân thiện đang ngày càng thắt chặt hơn nữa hai nước láng giềng ASEAN. Kết quả của điều này đang mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
Theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: “Chính phủ Việt Nam cam kết mở rộng hợp tác hiện có với Campuchia ở tất cả các cấp, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, du lịch, quốc phòng và an ninh, đồng thời tìm kiếm các lĩnh vực tiềm năng mới”.
Theo ghi nhận, Việt Nam là thị trường xuất khẩu sản phẩm lớn thứ hai của Campuchia. Trong đó, 9 tháng đầu năm nay đã chứng kiến Campuchia xuất khẩu lượng hàng hoá trị giá 2,03 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo báo cáo của CDC, cũng trong 9 tháng đầu năm 2023, Campuchia đã phê duyệt các dự án đầu tư tài sản cố định thuộc sở hữu của các công ty Việt nam với trị giá 73 triệu USD, tương đương 1,95% trong tổng giá trị đầu tư 3,76 tỷ USD.
Hai nước cũng đang nỗ lực hợp tác trong lĩnh vực giao thông với các dự án đường cao tốc mới từ Phnom Penh đến Bavet và từ Bavet đến Tp. Hồ Chí Minh. Ngoài việc cung cấp khả năng kết nối lớn hơn, chúng sẽ mang lại cơ hội đầu tư và kinh doanh lớn hơn cho cả hai bên.
Trong một cuộc gặp khác diễn ra vào ngày 27/10 vừa qua, lãnh đạo hai nước cũng đã ghi nhận những bước tiến vượt bậc trong thương mại song phương, bất chấp những hạn chế gây nên bởi đại dịch COVID-19. Nhu cầu về mục tiêu thương mại lớn đến năm 2030 giữa hai quốc gia cũng đã được nhất trí trong cuộc họp này.