Thế giới

Sự đồng thuận vì tương lai châu Á trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành

ClockThứ Bảy, 22/05/2021 14:56
Quan điểm đoàn kết vượt qua đại dịch của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo khác tham dự hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á.

Singapore, thành phố Hồ Chí Minh: Lựa chọn hàng đầu ASEAN về đầu tưIndonesia kì vọng Hiệp định RCEP có thể được ký bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 37Các cường quốc tầm trung cần vun đắp mối quan hệ với ASEANEU và những hợp tác mới với ASEANASEAN và Quỹ châu Á hỗ trợ kỹ năng cho 200.000 doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, các nhà lãnh đạo châu Á đã đạt được sự đồng thuận rất cao về việc phải đoàn kết đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này và tăng cường hợp tác để phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á (FOA 2021) do Nikkei Inc. tổ chức, kết thúc ngày 21/5, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định dịch COVID-19 “đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường, khó dự báo trên thế giới và ở khu vực, tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến kinh tế-xã hội, đời sống người dân các nước.”

Theo Thủ tướng, đại dịch đã làm bộc lộ gay gắt hơn những vấn đề mà châu Á đang phải đối mặt như khoảng cách phát triển về thể chế, hạ tầng, công nghệ; các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống như thiên tai, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu...

Bên cạnh đó, đại dịch đã làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế, tổ chức đời sống xã hội của thế giới.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm đòi hỏi tất cả các nước cần gác lại mâu thuẫn, bất đồng, đoàn kết, thống nhất hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tất cả cùng chiến thắng vượt qua đại dịch.”

Quan điểm trên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo khác tham dự hội nghị.

Trong bài phát biểu với chủ đề “Khôi phục kinh tế thông qua hợp tác kỹ thuật công nghệ,” Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith nêu rõ sự hợp tác và thống nhất của các nước châu Á là vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19.

Ông nói: “Để kiểm soát được COVID-19, các quốc gia châu Á phải cùng nhau hợp sức để tiến lên phía trước.”

Về phần mình, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng kêu gọi hợp tác toàn cầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, trong đó có việc đảm bảo tiếp cận bình đẳng với vaccine phòng COVID-19.

Tổng thống Duterte cho rằng nếu không thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong phòng chống dịch COVID-19, tiến trình phi toàn cầu hóa sẽ làm tiêu tan các cơ hội thương mại dành cho các nước đang phát triển.

Nhấn mạnh "thắng lợi lâu dài" không phải là một nước tìm cách để luôn đứng đầu mà là "những nước lớn nhất sẽ xây cầu nối thay vì xây tường chắn," Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã cảnh báo các rào cản do con người tạo ra đang cản trở các nỗ lực nhằm nhanh chóng khống chế dịch COVID-19 và cuộc đua chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2, đồng thời hối thúc các nước giàu không tích trữ vaccine phòng COVID-19 và bằng sáng chế với vaccine.

Theo Thủ tướng Muhyiddin, 27 quốc gia giàu nhất đang nắm giữ 35,5% lượng vaccine trên toàn cầu cho dù các nước này chỉ chiếm 10,5% dân số thế giới và hiện dư thừa vaccine để tiêm cho tất cả người dân.

Thủ tướng Muhyiddin cho rằng châu Á cần đi đầu trong việc dỡ bỏ các bảo hộ bằng sáng chế để giúp sản xuất các loại thuốc có giá cả thấp hơn cho các bệnh nghiêm trọng, từ bệnh COVID-19 cho tới HIV/AIDS, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi “cách tiếp cận mang tính chủ nghĩa dân tộc thuần túy” để đầu tư vào y tế như một loại hàng hóa công toàn cầu.

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Cùng chung quan điểm đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới coi vaccine phòng COVID-19 là một loại "hàng hóa chung toàn cầu," thay vì coi đó là một công cụ chính trị hay ngoại giao.

Ông Prayuth Chan-ocha kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động hướng tới một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, đồng thời chống chủ nghĩa dân tộc về vaccine và chính trị hóa vấn đề vaccine.

Mặc dù Nhật Bản đang tụt hậu so với các nước phát triển khác trong việc đảm bảo đủ vaccine, tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga vẫn cam kết “sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo tiếp cận công bằng với các loại vaccine an toàn và hiệu quả trên khắp thế giới, trong đó có các nước đang phát triển.”

Thủ tướng Suga cho biết các nỗ lực này bao gồm việc đồng chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng tới để thảo luận về vaccine phòng COVID-19 và tại đó, ông sẽ kêu gọi cam kết mạnh mẽ từ mỗi quốc gia trong việc tăng vốn tài trợ để cung cấp miễn phí vaccine phòng COVID-19 cho các quốc gia có nhu cầu.

Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ hỗ trợ phát triển hệ thống kho vận bảo quản lạnh cần thiết cho việc vận chuyển và phân phối vaccine.

Liên quan tới việc phục hồi kinh tế sau đại dịch, tại FOA 2021, các nhà lãnh đạo châu Á đã nêu bật sự cần thiết phải thiết lập các khuôn khổ hợp tác mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố: “Chúng ta cần một khuôn khổ hợp tác mới với những đột phá cần thiết để vừa giúp nền kinh tế trụ vững qua đại dịch, vừa đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai; cùng nhau “Chung tay xây dựng châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên hậu COVID-19.”

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra đề xuất tập trung vào 6 nội dung hợp tác, gồm phát triển hạ tầng chiến lược chất lượng cao; thúc đẩy tiến trình hợp tác, hội nhập và liên kết kinh tế bình đẳng, hiệu quả song phương, đa phương nhằm bảo đảm dòng chảy thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ số, chuyển đổi số chính; thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững, hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu phục hồi sau đại dịch; tăng cường phối hợp xử lý đại dịch COVID-19 và nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng, an sinh xã hội, sẵn sàng ứng phó với các thách thức y tế tương lai; bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.

Chia sẻ quan điểm đó, trong bài phát biểu với chủ đề “Con đường hội nhập của châu Á,” Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho rằng sự ổn định tình hình khu vực là tiền đề để khôi phục, phát triển kinh tế của các nước châu Á.

Pakistan kỳ vọng xây dựng quan hệ mang tính hợp tác và hòa bình với tất cả các quốc gia láng giềng, trong đó, cần xây dựng môi trường đối thoại mang tính hòa bình để giải quyết các tranh chấp.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Lào lại nhấn mạnh vai trò hỗ trợ của các nước phát triển khi cho rằng “các quốc gia phát triển cần nhìn lại phía sau và hỗ trợ, giúp đỡ những nước phát triển chậm hơn để có thể xây dựng được một châu Á phát triển thịnh vượng.”

Bên cạnh đó, ông lưu ý các quốc gia thời kỳ hậu COVID-19 cần chia sẻ và học hỏi lẫn nhau về kinh tế kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử và việc chia sẻ nền tảng dữ liệu thông tin, bí quyết khoa học công nghệ là vô cùng quan trọng.

Thủ tướng Thái Lan cũng kêu gọi thế giới hợp tác nhằm phục hồi ngành du lịch, đồng thời cho rằng cần thúc đẩy một môi trường thuận lợi để phục hồi du lịch hậu COVID-19.

Ông Prayuth nêu rõ: "Chúng ta cần công nhận các chứng chỉ vaccine của nhau và phát triển các thẻ y tế kỹ thuật số có thể tương tác toàn cầu để tạo thuận lợi cho việc đi lại và vực dậy ngành du lịch."

Đề xuất đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho rằng điều này sẽ giúp ngăn chặn tái diễn một xu hướng xuất hiện trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành, trong đó các quốc gia phá vỡ cam kết và hạn chế xuất khẩu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa thiết yếu.

Có thể thấy, đa số các nước châu Á đều chia sẻ quan điểm trong việc thúc đẩy hợp tác để cùng nhau vượt qua các khó khăn và thách thức do đại dịch gây ra. Điều quan trọng lúc này là các nước châu Á phải nhanh chóng thiết lập “các khuôn khổ hợp tác mới với những đột phá cần thiết, để vừa giúp nền kinh tế trụ vững qua đại dịch, vừa đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai” như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất. Đoàn kết là chìa khóa để các nước “chung tay xây dựng châu Á trong kỷ nguyên hậu COVID-19.”.

Theo TTXVN/Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á: Ngành vận tải biển vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp những cú sốc toàn cầu

Trong một thế giới ngày càng kết nối, căng thẳng địa chính trị và tác động của biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động toàn cầu, bao gồm cả châu Á. Tuy nhiên, với sức mạnh của ngành vận tải biển, châu lục này vẫn là khu vực kết nối tốt nhất với các mạng lưới vận tải trên toàn thế giới, đánh giá mới nhất về vận tải biển năm 2024 vừa được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố nêu rõ.

Châu Á Ngành vận tải biển vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp những cú sốc toàn cầu
Châu Á đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do xung đột ở Trung Đông

Căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran đang đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu được vận chuyển qua Eo biển Hormuz - một tuyến đường năng lượng quan trọng đối với châu Á. Khu vực này cũng đang đứng trước mối lo ngại ngày càng tăng rằng, một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông có thể làm tắc nghẽn nguồn cung và gây bất ổn thị trường dầu mỏ.

Châu Á đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do xung đột ở Trung Đông
Return to top