Thế giới

Thế giới hậu COVID-19: Tương lai không chắc chắn đối với người lao động di cư

ClockChủ Nhật, 20/09/2020 14:52
TTH.VN - Đại dịch COVID-19 phần lớn khiến việc di cư bị đóng băng. Tuy nhiên, liệu việc di cư có phục hồi một khi cuộc khủng hoảng hiện tại kết thúc? Trong một cuộc phỏng vấn với Tờ UN News, ông Gary Rynhart, một quan chức cấp cao của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) giải thích lý do tại sao việc trở lại “bình thường” là khó xảy ra, và những người di cư có thể sẽ phải đối mặt với một thị trường việc làm rất khác.

Tái xây dựng ngành nông nghiệp và lương thực hậu COVID-19“Dự báo” những vị trí việc làm trong tương lai hậu COVID-19Để thanh niên sẵn sàng cho việc làm hậu COVID-19

Kiểm tra y tế cho người lao động nước ngoài tại Singapore. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Người di cư nhiều khả năng bị mất việc làm do khủng hoảng kinh tế?

Ông Gary Rynhart cho rằng, mất việc làm thường ảnh hưởng nặng nề nhất đến người lao động di cư, bởi nhiều khả năng, họ làm các công việc phi chính thức, có thể thiếu những mạng lưới an toàn trong trường hợp mất việc hoặc bệnh tật. Điều này đặc biệt xảy ra đối với những người di cư ở các quốc gia đang phát triển, và những người di cư tạm thời, chẳng hạn như lao động thời vụ.

Hơn 30 quốc gia trên thế giới nhận được hơn 10% GDP từ kiều hối. Khoản tiền này được khoảng 1 tỷ người lao động ở nước ngoài hoặc trong nước gửi về cho gia đình của họ, với con số tổng cộng cao hơn cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Hồi năm ngoái, con số này được ghi nhận ở mức gần 3/4 tỷ USD. Trong năm nay, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính mức kiều hối sẽ giảm 20%.

Liệu những người di cư có thể tìm được việc làm một khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi?

Sự gián đoạn đối với các chuỗi cung ứng và các biên giới đóng cửa do đại dịch có thể sẽ dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp chuyển sang công nghệ, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI). Trong một cuộc khảo sát gần đây của Công ty Kiểm toán EY, khoảng 1/2 số nhà lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát ở 45 quốc gia cho biết, họ đang đẩy nhanh kế hoạch tự động hóa doanh nghiệp của mình, và khoảng 41% tuyên bố họ đang đầu tư vào việc tăng tốc tự động hóa, trong bối cảnh các doanh nghiệp chuẩn bị cho một thế giới hậu khủng hoảng.

Đây có thể là một tin xấu đối với những người di cư. Trong đó, khu vực Đông Nam Á là một trường hợp điển hình, chẳng hạn như các nhà máy may mặc trong khu vực, nơi sử dụng chủ yếu là người di cư nội địa; hay đối với công việc bóc vỏ tôm ở Thái Lan, do người di cư Myanmar thực hiện.

Các ngành sản xuất, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản, các robot chăm sóc, hay còn gọi là "carebots" ngày càng được triển khai để thực hiện những công việc "nặng nhọc", theo nghĩa đen.

Lĩnh vực bán lẻ thường phụ thuộc vào lao động di cư, nhưng đại dịch COVID-19 đã cho thấy ​​sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động mua sắm trực tuyến. Trong lĩnh vực khách sạn, các công nghệ tự động bao gồm robot cung cấp dịch vụ phục vụ đồ ăn trên tàu du lịch và sân bay, đồng thời giao đồ ăn đến tận phòng của khách ở khách sạn. Nhiều khách sạn đang cung cấp dịch vụ nhận phòng tự động thông qua ứng dụng, hay thậm chí là thông qua nhận dạng khuôn mặt ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, loa hỗ trợ công nghệ Alexa trong các phòng khách sạn cũng cho phép khách đặt câu hỏi về các mẹo tham quan và gọi đặt bàn chải đánh răng, mà không cần nói chuyện với nhân viên.

Sử dụng công nghệ GPS, robot có thể được sử dụng trong nông nghiệp chính xác cho hoạt động kiểm soát và thu hoạch. Đại dịch cũng có thể đã tạo ra một cú hích khác cho công nghệ dành cho xe ô tô không người lái, vốn có thể sớm chứng kiến ​​các lái xe taxi, một công việc khác mà nhiều người di cư làm, sẽ không còn nữa.

Trong vài tháng qua, cũng có thể thấy là rất nhiều các quy trình và cuộc họp (ví dụ như các cuộc hẹn với bác sĩ, hay việc gia hạn thị thực) có thể được thực hiện trực tuyến. Đã có một sự tăng mạnh trong hệ thống y tế từ xa và khi công nghệ video được cải thiện, các chẩn đoán như đo nhiệt độ, nhịp tim và huyết áp cũng có thể được thực hiện thông qua một thiết bị webcam. Một số phần của việc giảng dạy có thể được thực hiện thông qua các nền tảng kỹ thuật số và hiện đang có sự gia tăng lớn trong các dịch vụ giáo dục dựa trên Internet.

Những cải tiến trong thực tế ảo, thực tế tăng cường, công nghệ ảnh ba chiều và các công cụ cộng tác sẽ khiến tất cả điều đó trở nên dễ dàng hơn. Nhiều chức năng quản trị có thể được thực hiện từ xa. Ở đây, có nhiều cơ hội việc làm mới, có thể làm giảm nhu cầu di cư và làm việc từ xa có thể mở ra cánh cửa cho nữ giới tiếp cận các cơ hội tương xứng với tài năng của họ bằng cách đi đến nơi khác “trực tuyến”.

Đại dịch có ảnh hưởng đến thái độ đối với người di cư?

Đã có sự gia tăng phân biệt đối xử, đặc biệt là phân biệt đối xử đối với người châu Á liên quan cụ thể đến COVID 19. Tuy nhiên, thế giới hậu đại dịch không phải toàn là tin xấu, và có những dấu hiệu cho thấy nó có thể mang lại những cơ hội mới cho người di cư, và thậm chí là sự cải thiện về nhận thức.

Chẳng hạn như, nhiều người di cư đang đảm nhận các vai trò y tế tuyến đầu hoặc cung cấp các dịch vụ thiết yếu như sắp xếp kệ siêu thị hoặc dọn dẹp vệ sinh bệnh viện. Ngoài ra, thực tế là đã có một số hạn chế được nới lỏng đối với nhân viên y tế được đào tạo ở nước ngoài và sinh ra ở nước ngoài ở những quốc gia có thu nhập cao, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng. Cụ thể, một số bang của Hoa Kỳ đã cho phép các bác sĩ được đào tạo ở nước ngoài làm việc, và Australia đã nâng giới hạn giờ làm việc đối với các y tá được đào tạo ở nước ngoài…

Trên thực tế, thái độ đối với người di cư đã được cải thiện một cách đều đặn và rõ rệt trong những năm gần đây. Đáng chú ý, theo một cuộc khảo sát tại 18 quốc gia được công bố hồi năm ngoái, phần lớn ở các quốc gia là điểm đến di cư hàng đầu, nơi tiếp nhận 1/2 số người di cư trên thế giới nhấn mạnh, những người di cư sẽ giúp quốc gia của họ mạnh mẽ hơn. Đa số ở Vương quốc Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Australia, Canada, Thụy Điển và Đức đều nhất trí với lời khẳng định rằng: "Người di cư làm cho đất nước của tôi mạnh mẽ hơn".

Có thể, cuộc khủng hoảng này sẽ cho thấy một kết quả là sự bao trùm hơn, và đa dạng hơn trong môi trường làm việc toàn cầu, và một số yếu tố thúc đẩy người di cư rời bỏ nhà cửa và đất nước của họ để tìm kiếm sinh kế tốt hơn sẽ có sự cải thiện.

Thanh Ngân (Lược dịch từ UN News)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Linh hoạt để gần gũi người lao động

Đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của đoàn viên, người lao động ngày càng đa dạng, các cấp công đoàn không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, đoàn viên, người lao động.

Linh hoạt để gần gũi người lao động
Return to top