Bộ trưởng ASEAN thảo luận cách xây dựng những mối liên kết kinh tế để các doanh nghiệp có thể tồn tại trước những bất ổn. Ảnh: Reuters
Tờ Nikkei ngày 2/9 đưa tin, các quốc gia Đông Nam Á khẳng định sự ủng hộ đối với thương mại tự do, trong bối cảnh những bất ổn trong môi trường thương mại toàn cầu đe doạ làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, được xem là quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của khu vực.
Theo đó, Bộ trưởng Kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN nhất trí tăng cường các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) riêng, bên cạnh Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) rộng lớn hơn mà họ đang tìm cách ký kết, nhằm đảm bảo các rào cản thương mại sẽ được hạ xuống.
"Các quốc gia ASEAN và các quốc gia thành viên RCEP đều tin tưởng vào một hệ thống đa phương, một hệ thống dựa trên quy tắc", Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, ông Chan Chun Sing nói với các phóng viên.
"Chúng tôi tin rằng, đây là cách tốt nhất để vượt qua nhiều thách thức mà chúng tôi đang phải đối mặt trong môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay", ông Chan Chun Sing nói thêm.
Đáng chú ý, một thành tựu của các cuộc đàm phán được tổ chức vào cuối tuần này là cam kết nhằm làm sâu sắc hơn Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc. Đến tháng 1/2019, hai bên sẽ sửa đổi các quy tắc cụ thể cho sản phẩm, phù hợp với tình hình thực tế, nhằm mục tiêu thúc đẩy thương mại hơn nữa.
Ngoài ra, ASEAN cũng có một nghiên cứu khả thi chung đối với Hiệp định Thương mại Tự do với Canada. Trong khi đó, các Hiệp định Thương mại Tự do với Australia và New Zealand cũng sẽ được cập nhật và cải thiện.
Sự tập trung mới vào các Hiệp định Thương mại Tự do song phương được đưa ra trong bối cảnh ASEAN đang nỗ lực đạt được một "kết quả quan trọng" trước cuối năm nay đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại tự do khổng lồ bao gồm 10 quốc gia ASEAN, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Trong khi Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore nhận định "hiệp định rộng lớn đang nằm trong tầm tay", liên quan đến RCEP, cũng như các thành viên sẽ đạt được hiệp định này vào khoảng thời gian diễn ra các hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 năm nay; vẫn tồn tại những lo ngại rằng, các rào cản sẽ xuất hiện trong giai đoạn cuối cùng của các cuộc đàm phán.
Các cuộc đàm phán RCEP diễn ra trong 5 năm nay, và các thành viên sẽ cần phải có những thỏa hiệp quan trọng đối với hiệp định được kỳ vọng sẽ "ký kết" trước cuối năm 2018.
Nếu các điều khoản thương mại tự do của RCEP yếu hơn so với các điều khoản được bảo đảm bởi các Hiệp định Thương mại Tự do hiện tại, hiệp định RCEP sẽ có ít ý nghĩa. ASEAN hiện có Hiệp định Thương mại Tự do riêng với 6 thành viên RCEP khác, và việc nâng cấp các điều khoản của các Hiệp định Thương mại Tự do này được coi là đặt nền tảng cho một hiệp định rộng lớn hơn.
Bên cạnh đó, ông Chan Chun Sing lưu ý thêm, sẽ "khó khăn hơn" đối với các quốc gia không có Hiệp định Thương mại Tự do song phương để đàm phán thuế quan từ đầu trong các cuộc đàm phán RCEP.
"Chúng tôi phải đảm bảo rằng, chúng tôi tiếp tục xây dựng các mối liên kết với nhiều quốc gia để đa dạng hóa sự phụ thuộc vào bất kỳ thị trường cụ thể nào, để các doanh nghiệp của chúng tôi sẽ không phải đối mặt với sự gián đoạn ngay cả khi có sự gián đoạn trong một thị trường cụ thể", Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore nhấn mạnh.
ASEAN tiếp tục hạ thấp các rào cản thương mại trong khu vực, bao gồm hơn 20% thương mại toàn cầu. Các quốc gia thành viên đã loại bỏ 98,6% thuế quan nội bộ, tăng từ mức 96,01% trong một năm trước đó. Ngoài ra, ASEAN cũng hướng đến mục tiêu tăng cường hội nhập kinh tế bằng cách loại bỏ các rào cản phi thuế quan.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Nikkei)