Rác thải nhựa chất đống ở một khu vực trên Vịnh Bengal. Ảnh: The Guardian.
Trên toàn cầu, mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa đổ vào các đại dương. Trung bình, hơn 46.000 mảnh nhựa được tìm thấy trong một dặm vuông ở đại dương. Sản lượng và việc tiêu thụ nhựa toàn cầu vẫn đang tiếp tục tăng và ước tính đến năm 2050, sẽ có nhiều nhựa hơn cả các loài cá trong các đại dương trên thế giới.
Vịnh Bengal rất giàu tài nguyên biển và sản xuất ra 6 triệu tấn cá tương ứng với gần 4% tổng sản lượng đánh bắt toàn cầu mỗi năm. Đây là nguồn protein động vật quan trọng cho gần 400 triệu người trong khu vực này. Nhưng Vịnh Bengal chứa rất nhiều nhựa và một lượng chất thải nhựa khổng lồ đã được tìm thấy trên bờ biển, dưới đáy biển và lơ lửng trong nước.
Các rạn san hô của đảo St. Martin gần như đã chết, chất đầy mảnh vụn biển, túi nilon và bọc thực phẩm bị hàng trăm khách du lịch vứt bỏ hàng ngày. Vịnh Bengal và Biển Đông là những “điểm nóng” mới về rác thải nhựa ở châu Á. Mỗi năm có một lượng lớn rác thải nhựa từ Bangladesh đổ vào Vịnh Bengal. Theo Mạng lưới Ngày Trái đất của Mỹ (2018), Bangladesh là quốc gia gây ô nhiễm nhựa thứ 10 trên thế giới. Áp lực dân số, trình độ quản lý chất thải kém và đắm tàu là nguyên nhân chính. Mỗi năm, 60-65 tàu bị hỏng ở Hayogram và Khulna.
Nhựa có thể có tác động trực tiếp đến động vật. Microplastic, là những mảnh nhựa hoặc sợi nhựa nhỏ hơn 5 mm, là một dạng mảnh vụn hay rác biển thậm chí còn nguy hiểm hơn. Khoảng 80% rác thải biển là microplastic. Sửa rửa mặt, kem đánh răng, kem tẩy tế bào chết và chống lão hóa có chứa hàng ngàn microplastic trong mỗi sản phẩm. Một lần sử dụng có thể đẩy đến 100.000 hạt nhựa vào đại dương. Microplastic quá nhỏ để có thể được giữ lại bởi các bộ lọc được sử dụng tại các nhà máy xử lý nước thải. Kết quả là cá và động vật có vỏ ăn vi sinh trên biển rất có thể sẽ ăn phải. Và rồi, con người lại ăn nguồn cá và động vật biển đó, đồng nghĩa với việc các hạt microplastic đi vào cơ thể con người.
Do đó, ở cấp độ khu vực, các quốc gia duyên hải ở Vịnh Bengal cần có biện pháp thu gom rác nhựa từ bến nước, thúc đẩy tái chế và khuyến khích sử dụng bao bì phân hủy sinh học. Chẳng hạn, tại Bangladesh, kể từ năm 2013, trong dự án Chiến đấu với các mảnh vỡ biển, các thợ lặn và tình nguyện viên đã tham gia vào việc loại bỏ các mảnh vỡ biển ngoài khơi đảo Saint Martin. Chương trình Thu mua lại rác thải biển ở Hàn Quốc là một ví dụ điển hình khác. Kể từ năm 2009, họ đã thu thập được hơn 31.000 tấn mảnh vụn trên biển từ ít nhất 80 địa điểm thu gom. Vịnh Bengal theo đó cũng cần nhiều sáng kiến tương tự từ tất cả các bên liên quan để cứu hệ sinh thái biển.
BẢO NGHI (Lược dịch từ ANN)