Đây không còn là dấu hiệu về dự đoán của biến đổi khí hậu mà đã trở thành những hậu quả đang hiển hiện trước mắt, cần được con người nhanh chóng tìm ra phương pháp phòng chống và khắc phục.
Lũ lụt gây ra bởi cơn bão Harvey, đông nam Texas ngày 31 tháng 8 năm 2017. Ảnh: The guardian
Thảm họa thiên tai
Tại Houston (Mỹ), người dân đang nỗ lực để giải quyết các tàn dư để lại của bão Harvey – cơn bão lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Trong lúc đó, San Francisco cũng đang vật lộn với tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt, khi nhiệt độ tăng 3 độ F, mức tăng kỷ lục sau gần 150 năm. Thời tiết nắng nóng gây nên hàng loạt vụ cháy rừng, đặc biệt phải kể đến là vụ cháy trải dài từ tiểu bang Oregon đến thủ đô Washington. Tình hình trở nên nghiêm trọng ở một số khu vực, như các cánh đồng lúa mì tại miền Bắc Dakota và Montana. Sự thiếu nước trầm trọng dẫn đến hạn hán kéo dài, làm giảm mức độ phát triển của hạt trên cây, gây khó khăn cho công tác thu hoạch của nhiều chủ trang trại.
Ở Đại Tây Dương, bão Irma cũng để lại nhiều ảnh hưởng cho vùng đảo Caribe, Cuba và Florida (Mỹ). Với cường độ gió rất mạnh và kéo dài trong nhiều ngày, bão Irma đạp đổ tất cả nỗ lực tái xây dựng của nhân dân địa phương sau trận bão Harvey. Trong một thời gian ngắn, người dân Hoa Kỳ buộc phải đối mặt với hai thảm họa thiên tai liên tiếp. Nhiều khả năng, tâm lý người dân, nhất là cư dân Florida bị ảnh hưởng trong nhiều thập kỷ tới.
Không chỉ có bão lũ, hạn hán, động đất cũng là một trong những tác nhân gây nên hàng loạt nỗi lo cho con người. Tờ CNN đưa tin, một trận động đất mạnh 8,1 độ richter đã làm rung chuyển bờ biển phía nam Mexico, khiến hàng ngàn người thiệt mạng và rất nhiều người khác bị thương. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính cường độ động đất ngang với thảm họa tồi tệ nhất xảy ra vào năm 1985 ở thủ đô Mexico City làm hơn 10.000 người thiệt mạng.
Chiến lược thích ứng
Không chỉ Hoa Kỳ, nhiều quốc gia Đông Nam Á buộc phải sống chung với nỗi sợ hãi do biến đổi khí hậu gây ra. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, hành động đốt dầu, than và khí ga của con người đã thải một lượng lớn khi CO2 vào bầu khí quyển. Cụ thể, cấu trúc phân tử của loại khí này là nguyên nhân chính làm tăng nhiệt độ không khí, dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều động đất, sóng thần, lũ lụt và hạn hán.
Đối mặt với vấn nạn này, chính phủ các nước cần đề ra các chính sách cụ thể nhằm từng bước nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và hạn chế các hành động gây biến đổi thời tiết. Ngoài ra, cần trang bị đầy đủ phương tiện để đối phó, thích nghi với nguy cơ ngày càng tăng của hạn hán, lũ lụt. Các chiến lược thích ứng ở cấp cộng đồng cần được triển khai thiết kế phù hợp với từng địa phương, cũng như hợp tác phát triển chặt chẽ với toàn dân bằng nhiều hoạt động cụ thể như tư vấn và giáo dục cho nông dân về đa dạng hoá cây trồng, lựa chọn loại cây trồng phù hợp trong điều kiện khí hậu thay đổi.
Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho hay, biến đổi khi hậu tác động trực tiếp đến tài nguyên nước. Do vậy, cần tạo lập sự phát triển của “cộng động nước thông minh”, thông qua các dự án xây dựng ao, hồ trữ nước, nuôi cá, nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho công tác hứng nước trong mùa mưa và sử dụng cho mùa khô.
Đan Lê (Lược dịch từ The guardian)