Suy dinh dưỡng được xem là khủng hoảng toàn cầu. Ảnh: Devdiscourse
Trước tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng, các chuyên gia lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước cùng nhiều tổ chức quốc tế cần thúc đẩy cách tiếp cận mới trong năm 2019 về cách thức sản xuất lương thực để ngăn chăn tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng.
Hiện trạng báo động
Có thể nói, tiêu thụ thức ăn không lành mạnh, hoặc không có đủ thức ăn đã và đang là nguyên nhân chính tác động đến sự gia tăng về suy dinh dưỡng dưới nhiều dạng. Cụ thể, cứ 8 người trưởng thành trên thế giới sẽ có 1 cá nhân xác nhận mắc chứng béo phì. Nhưng cùng lúc sẽ có 1 trong 9 người bất kỳ chịu đựng tình trạng đói cùng cực và khoảng 2 tỷ người khác đang thiếu các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Phát biểu về vấn đề này, Giáo sư của đại học Cornell (New York) Per Pinstrup-Andersen khẳng định những số liệu trên là hồi chuông cảnh tỉnh để thay đổi sự tập trung vào sản xuất lương thực – vấn đề được đặt ra nhằm thúc đẩy năng suất cây trồng và hàm lượng calories để cứu mọi người thoát khỏi cảnh đói khát trong suốt nhiều thập kỷ qua. Không chỉ dừng lại ở đó, vị giáo sư cũng nhấn mạnh rằng bây giờ là lúc thích hợp để tăng cường tập trung vào vấn đề dinh dưỡng. Tầm quan trọng của điều này được thể hiện rõ nhất trong trường hợp nếu thiếu Vitamin A, con người có thể đối mặt với nguy cơ bị mù.
Đồng tình cùng quan điểm của giáo sư Per Pinstrup-Andersen, CGIAR – mạng lưới nghiên cứu nông nghiệp toàn cầu với mức tài trợ hằng năm để đầu tư về cây trồng chủ lực vào khoảng 900 triệu USD cũng lên kế hoạch thúc đẩy chuỗi nỗ lực nhằm giải quyết thách thức về dinh dưỡng...
Trong một ý kiến khác có liên quan, Haddad, giám đốc điều hành của Liên minh toàn cầu về cải thiện dinh dưỡng (GAIN) nhận định, suy dinh dưỡng hiện đang là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Vào năm 2018, lần đầu tiên sau 10 năm thế giới chứng kiến số lượng người đói khát tăng lên, đồng thời số người béo phì cũng chạm đỉnh tại mọi quốc gia. Tuy nhiên, một dấu hiệu tích cực là chính phủ các nước đang ngày càng quan tâm nhiều hơn vào vai trò của nông nghiệp trong dinh dưỡng, Anna Lartey – người đứng đầu bộ phận dinh dưỡng tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho hay.
Điều hướng giải pháp
Để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng, Bà Jessica Fanzo, Giáo sư tại đại học Johns Hopkins, tác giả chính của báo cáo dinh dưỡng toàn cầu 2018 khẳng định cần phải sản xuất đúng loại thực phẩm cần thiết và đảm bảo nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng đối với những thực phẩm đó. Điều này đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn để tiến hành nghiên cứu và phát triển nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng như trái cây và rau quả đáp ứng tốt nhu cầu của một số gia đình có thu nhập eo hẹp.
Sự cần thiết phải triển khai hành động một lần nữa được nêu lên trong một bài nghiên cứu toàn cầu cho thấy vào năm 2050, có thể con người vẫn thiếu một lượng chất dinh dưỡng cần thiết nhất định như sắt, canxi và vitamin A. Thế giới sẽ ngập tràn trong các loại thực phẩm chưa hàm lượng lớn Carbonhydrate. Thậm chí với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, những thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng sẽ ngày càng thiếu hụt. Do đó, khu vực tư nhân cần tham gia nhiều hơn vào công tác tăng cường sản xuất nhiều loại thực phẩm dinh dưỡng với giá cả phải chăng.
Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)