Không khí ô nhiễm nặng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Ước tính sẽ có khoảng 6,5 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm do chất lượng không khí kém, khiến nó trở thành mối đe dọa lớn thứ tư trên thế giới đối với sức khỏe con người, chỉ sau huyết áp cao, rủi ro do chế độ ăn uống và hút thuốc lá.
Các chất gây ô nhiễm độc hại như các hạt vật chất - có thể chứa axit, kim loại, đất và bụi - gây ra những tác động phổ biến nhất từ tình trạng ô nhiễm không khí. Các hạt vật chất nhỏ có thể gây ung thư phổi, đột quỵ và bệnh tim trong thời gian dài, cũng như các triệu chứng nguy hiểm như những cơn đau tim có thể khiến nạn nhân tử vong sớm.
Trong một báo cáo đặc biệt về năng lượng và ô nhiễm không khí, IEA cho biết, việc phát tán các chất gây ô nhiễm chủ yếu là do quá trình sản xuất và sử dụng năng lượng không được kiểm soát hoặc kiểm soát không hiệu quả. Do đó, nếu không hành động, tình trạng tử vong sớm hàng năm do ô nhiễm không khí ngoài trời sẽ tăng từ mức khoảng 3 triệu người hiện nay lên đến 4,5 triệu người vào năm 2040. Tuy nhiên, tử vong sớm do ô nhiễm không khí trong nhà sẽ giảm xuống còn 2,9 triệu người, so với 3,5 triệu người như hiện tại.
Theo IEA, Châu Á sẽ chiếm gần 90% sự gia tăng các trường hợp tử vong nói trên.
Mặc dù lượng khí thải toàn cầu được dự báo sẽ giảm một cách tổng thể vào năm 2040, nhưng chính sách năng lượng hiện có và những chính sách dự kiến vẫn sẽ không đủ để cải thiện chất lượng không khí, báo cáo cho biết thêm.
Phát thải khí nhà kính sẽ tiếp tục giảm ở các nước công nghiệp phát triển và các dấu hiệu suy giảm gần đây ở Trung Quốc nên được tiếp tục, nhưng lượng khí thải ước tính sẽ tăng ở Ấn Độ, Đông Nam Á và châu Phi khi nhu cầu năng lượng tăng nhanh, vượt xa những nỗ lực để cải thiện chất lượng không khí.
IEA cho biết đang gia tăng tổng đầu tư vào năng lượng lên 7%, tương đương với 4,7 nghìn tỷ USD, đến năm 2040 để có thể giúp làm suy giảm các trường hợp tử vong sớm do ô nhiễm không khí ngoài trời xuống còn 2,8 triệu và ô nhiễm không khí trong nhà xuống mức 1,3 triệu.
Các chính sách năng lượng và chất lượng không khí mới cũng sẽ cung cấp nguồn không khí sạch hơn. Mỗi quốc gia cần phải có một mục tiêu chất lượng không khí đáng tin cậy và dài hạn, báo cáo nêu rõ. Theo đó, nên có một gói các biện pháp cho ngành năng lượng như sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn; kiểm soát lượng khí thải và năng lượng một cách hiệu quả hơn.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & Straitstimes)