Mọi cá nhân cần chung tay hành động chống lại tệ nạn buôn bán, bóc lột lao động. Ảnh: Devdiscourse
Tờ Devdiscourse ngày 30/7 đưa tin, ước tính mỗi năm có hàng triệu người lao động di cư gặp phải tình trạng bị lừa, bị bán làm nô lệ trong và ngoài khu vực biên giới giữa các nước, hoặc mắc kẹt trong tệ nạn lao động cưỡng bức. Trong đó, phần lớn các lao động đều khó có cơ hội phản kháng do không có hợp đồng lao động, hoặc bị ràng buộc bởi những món nợ chồng chất. Trong một số trường hợp khác, do thiếu nhận thức, người lao động (đặc biệt là phụ nữ và trẻ em) thường lâm vào cảnh làm việc trong môi trường nguy hiểm, thời gian làm việc quá dài và bị áp bức tiền lương. Nhìn chung, những hành động này đều vi phạm đến quyền lợi trực tiếp của người lao động di cư trên toàn thế giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, mọi quốc gia đều tồn tại và bị ảnh hưởng bởi tệ nạn buôn bán người. Trong đó, trẻ em chiếm 1/3 trong tổng số nạn nhân trên toàn thế giới. Trước sự bành trướng của vấn nạn toàn cầu, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là LHQ khẳng định vấn đề chỉ được giải quyết triệt để bằng cách tiếp cận toàn diện. Cụ thể, người lao động cần chủ động tham gia với chính phủ các nước, cộng đồng doanh nghiệp địa phương để yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn việc làm hợp lý. Trong bối cảnh các nhà thầu thường lạm dụng, bóc lột lao động để giảm giá thành sản phẩm, LHQ kêu gọi mọi cá nhân phải làm rõ quan điểm chuỗi cung ứng không phép tồn tại bất kỳ hình thức gian lận, bóc lột, áp bức lao động nào.
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, ngày càng nhiều quốc gia cam kết sẽ thắt chặt công tác quản lý dân cư khu vực biên giới để giảm thiểu tối đa nguy cơ xuất hiện tình trạng buôn bán người ở khu vực này, cũng như tổ chức bảo vệ lao động di cư phù hợp theo luật nhân quyền quốc tế. Tham gia chiến dịch, nhiều doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh công tác quản lý lao động trong chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo không xảy ra bất kỳ hành vi cố tình buốn bán người, bóc lột lao động.
Ngoài việc tăng cường trách nhiệm giải trình, LHQ khẳng định các doanh nghiệp sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra cho công, nhân viên trong dây chuyền lao động. Trong trường hợp xuất hiện tình trạng buôn người, địa phương cũng cần chịu một phần trách nhiệm. Bằng cách thiết lập các kết nối mạnh mẽ giữa khu vực tư nhân và giới chức địa phương, điều mà LHQ hướng đến là chúng ta có thể tái xây dựng môi trường sống và làm việc lành mạnh cho từng cá nhân.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ Devdiscourse)