Một người đàn ông lớn tuổi đang chờ xe điện ở Sarajevo, Bosnia và Herzegovina. Ảnh Ngân hàng Thế giới/Flore de Préneuf
Dân số già đi đã trở thành một trong những sự chuyển đổi xã hội quan trọng nhất trong thế kỷ 21 và điều này có liên quan đến gần như mọi lĩnh vực trong xã hội, bao gồm lao động và thị trường tài chính, nhu cầu về hàng hoá và các dịch vụ nhà cửa, vận chuyển, chính sách xã hội cũng như cấu trúc gia đình và quan hệ giữa các thế hệ.
Số người lớn tuổi đang tăng nhanh
Theo Báo cáo Triển vọng dân số thế giới bản sửa đổi năm 2017, số người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và tăng gấp ba lần vào năm 2100, tăng từ 962 triệu trên toàn cầu vào năm 2017 lên 2,1 tỷ năm 2050 và 3,1 tỷ vào năm 2100. Trên toàn cầu, dân số từ 60 tuổi trở lên đang tăng nhanh hơn tất cả các nhóm tuổi trẻ hơn.
Năm 2017, thế giới có khoảng 962 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 13% dân số toàn cầu. Dân số từ 60 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ khoảng 3% mỗi năm. Hiện, châu Âu có tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên lớn nhất (25%). Quá trình lão hóa nhanh cũng xảy ra ở các nơi khác trên thế giới, đến năm 2050, tất cả các vùng trên thế giới trừ châu Phi sẽ có gần một phần tư dân số ở độ tuổi từ 60 trở lên.
Cùng với sự suy giảm mức sinh và tuổi thọ tăng lên là những nguyên nhân chính dẫn đến sự già hóa dân số trên toàn cầu, di cư quốc tế cũng góp phần thay đổi cấu trúc tuổi dân cư ở một số quốc gia và khu vực.
Nhiều nước sẽ phải đối mặt với những áp lực tài chính và chính trị liên quan đến các hệ thống công về y tế, lương hưu và bảo trợ xã hội cho dân số già trong những thập kỷ tới.
Kế hoạch hành động vì người cao tuổi
Để giải quyết những vấn đề này, Đại hội đồng LHQ đã tổ chức Đại hội thế giới về người cao tuổi lần thứ nhất vào năm 1982, trong đó đưa ra “Kế hoạch hành động quốc tế Vienna về người cao tuổi” kêu gọi hành động cụ thể về các vấn đề y tế và dinh dưỡng, nhà ở, phúc lợi xã hội, việc làm,… cho người cao tuổi.
Năm 1991, Đại hội đồng LHQ thông qua các Nguyên tắc của LHQ dành cho người cao tuổi liên quan đến sự độc lập, tham gia, chăm sóc, bổn phận và vị trí của người cao tuổi trong xã hội. Năm 1999 đã được tuyên bố là Năm quốc tế Người cao tuổi và Ngày quốc tế Người cao tuổi được tổ chức vào ngày 1/10 hàng năm.
Nhằm mục đích đề ra chính sách quốc tế về người cao tuổi cho thế kỷ 21, Đại hội Thế giới về người cao tuổi lần thứ hai đã thông qua Tuyên bố Chính trị và Kế hoạch hành động Quốc tế Madrid về người cao tuổi. Kế hoạch hành động kêu gọi thay đổi thái độ, chính sách và đưa ra những đề xuất cụ thể để ưu tiên người cao tuổi, thúc đẩy sức khoẻ và phúc lợi ở tuổi già. Các chính sách này đến nay vẫn được LHQ đẩy mạnh nhằm hỗ trợ người cao tuổi trên toàn thế giới.
Ngọc Hà
(dịch và tổng hợp từ UN News)