Liên minh Châu Âu (EU) đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng sữa bột với hàng trăm nghìn bịch sữa tồn đọng không tìm được người mua trên khắp Châu Âu. Làm thế nào để bình ổn giá sữa, giải quyết cuộc khủng hoảng sữa tái diễn nhiều năm qua ở Pháp đang là vấn đề nóng được dư luận Châu Âu nói chung và ngành sữa nói riêng hết sức quan tâm.
|
Nông dân biểu tình trước trụ sở Liên minh Châu Âu do khủng hoảng sữa bột. Ảnh: Daily Times. |
Khủng hoảng sữa đã xuất hiện tại Châu Âu từ 2 năm trước. Nếu như năm 2016, giá bán sữa đạt mức thấp nhất trong lịch sử ở Châu Âu thì đến năm 2017, giá bơ sữa ở Châu Âu lại tăng mạnh do tình trạng thiếu bơ sữa trầm trọng ở châu lục này, xuất phát từ nhu cầu sữa bùng nổ trên toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Đến năm nay, Liên minh Châu Âu thông qua các nước thành viên, mua hàng trăm triệu tấn sữa bột từ năm 2015 nhằm giúp ổn định giá sữa trượt dốc do sản xuất quá mức và khủng hoảng tài chính. Báo cáo tuần trước của tổ chức Quan sát thị trường sữa Liên minh Châu Âu cho biết, trữ lượng sữa bột này hiện ở mức gần 380.000 tấn và các nhà sản xuất cảnh báo bán ra trữ lượng này sẽ đe dọa thị trường vốn chưa đứng vững.
Dư luận Châu Âu đã ngay lập tức bày tỏ quan ngại về thực tế trên. Không ít ý kiến được nêu ra nhằm giải quyết triệt để tình trạng này.
Ủy ban Sữa Châu Âu (EMB), đại diện cho 100.000 hãng sản xuất, cho biết sữa bột đang là rào cản cho tiến trình phục hồi trong dài hạn của thị trường sữa Châu Âu. Giá sữa đang ở mức hơn 30 cent/kg, song chi phí sản xuất sữa lại lên đến 45-50 cent/kg.
Điều này khiến nông dân và ngành sữa Châu Âu thiệt hại lớn. Ủy ban Sữa Châu Âu cho rằng nên đặt ra mức trần đối với sản xuất sữa, song không nên bán ra thị trường lượng sữa tồn đọng trong bối cảnh giá sữa tươi đang bắt đầu phục hồi, song giá sữa bột tiếp tục giảm 30% trong vòng 1 năm trở lại đây.
Thực tế hơn, các nhà sản xuất sữa ở Bỉ thì cho rằng, can thiệp về giá không giải quyết được vấn đề đang lan rộng trong thị trường sữa. Châu Âu cần có một công cụ mang tính ràng buộc về mặt pháp lý để ổn định thị trường.
Còn theo Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Christian Schmidt để giải quyết bài toán khủng hoảng sữa, cần đến một giải pháp tổng thể:
“Nông nghiệp có vai trò to lớn nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Chúng ta cần sự đổi mới, cần nhìn nhận những vấn đề mà nông nghiệp đang phải đối mặt. Đó là lý do tại sao chúng ta cần một chiến lược tổng thể về nông nghiệp và vấn đề sử dụng đất.”
Hồi tháng 10/2017, Ủy viên phụ trách Nông nghiệp của Châu Âu Phil Hogan cho biết, Liên minh Châu Âu giải quyết được 220 tấn sữa bột trong năm 2017, con số khiêm tốn do Liên minh Châu Âu muốn tránh tác động thị trường và do nhu cầu thấp của người tiêu dùng. Thêm 1.900 tấn sữa đã được bán đấu giá trong tháng 1/2018 với giá từ 119-135 euro/1 tạ. Song tốc độ tiêu thụ này vẫn chậm đối với các nhà sản xuất sữa bột.
Thống kê cho thấy, Pháp là điểm tích trữ sữa bột lớn nhất Châu Âu với 72.000 tấn, tiếp theo đó là Bỉ và Đức, mỗi nước khoảng 66.000 tấn. Trữ lượng sữa dư thừa khiến sữa rớt giá mạnh. Tại Bỉ, giá sữa đang được bán ở mức 29 cent/kg trong khi giá sản xuất đã lên đến 46 cent. Tại Đức, giá sữa được bán 33 cent không tính đến chi phí sản xuất là 46 cent./.
Theo VOV