Thứ Ba, 11/09/2018 15:07
(GMT+7)
Mở rộng cơ hội phát triển của các nước thông qua hợp tác Nam – Nam
TTH.VN - Hợp tác Nam – Nam là một thuật ngữ được dùng để thể hiện tình đoàn kết nhân dân và sự hợp tác, trao đổi bền chặt giữa các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển trong bán cầu nam để góp phần vào sự thịnh vượng của quốc gia, cùng lúc khẳng định tinh thần tự lập tự cường và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Ảnh minh họa: UN
Điều này được thể hiện thông qua một khuôn khổ hợp tác rộng rãi giữa các quốc gia miền nam trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và kỹ thuật. Liên quan đến 2 hoặc nhiều quốc gia đang phát triển, hợp tác Nam – Nam có thể diễn ra trên cơ sở song phương, khu vực, quốc tế hoặc liên vùng. Trong đó, các nước đang phát triển sẽ chia sẻ kiến thức, kỹ năng, chuyên môn và nguồn lực để đáp ứng mục tiêu phát triển của các nước thông qua các nỗ lực phối hợp hành động hiệu quả.
Theo đó, Liên Hiệp quốc tổ chức kỷ niệm ngày quốc tế hợp tác Nam – Nam nhằm kỷ niệm những thành quả phát triển về kinh tế, xã hội và chính trị mà các quốc gia miền nam đã cùng nhau đạt được trong những năm gần đây. Đồng thời cũng nhấn mạnh những nỗ lực của Liên Hiệp quốc trong công tác hỗ trợ hợp tác kỹ thuật giữa các nước đang phát triển.
Nhìn chung, các mục tiêu cơ bản của hợp tác Nam – Nam bao gồm:
- * Thúc đẩy sự tự chủ của các nước đang phát triển bằng cách nâng cao năng lực sáng tạo để tìm ra biện pháp thúc đẩy phát triển.
- * Thúc đẩy và tăng cường khả năng tự chủ chung của các nước thông qua hình thức trao đổi kinh nghiệm, tổng hợp, chia sẻ và sử dụng nguồn tài nguyên kỹ thuật cũng như các nguồn tài nguyên khác ...
- * Tăng cường năng lực của các nước để xác định và phân tích các vấn đề chính về tiến trình phát triển và xây dựng chiến lược cần thiết để giải quyết những rào cản đang tồn tại.
- * Tạo ra và tăng cường năng lực công nghệ hiện có ở các nước đang phát triển nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, cùng lúc cải thiện khả năng thích nghi với công nghệ mới của các nước để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao.
- * Tăng cường và cải thiện thông tin liên lạc giữa các nước đang phát triển, từ đó hỗ trợ nhận thức rõ hơn về các vấn đề chung và tiếp cận rộng hơn với nguồn kiến thức và kinh nghiệm sẵn có, đồng thời tạo ra kiến thức mới trong việc giải quyết các vấn đề phát triển.
- * Công nhận, giải quyết và đáp ứng các yêu cầu của các nước kém phát triển nhất như các nước chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, các đảo nhỏ...
- * Tạo điều kiện tiếp cận cơ hội tham gia các hoạt động kinh tế quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển dài lâu.
Đan Lê (Lược dịch từ UN)