ClockThứ Tư, 05/06/2019 06:43
Ngày Môi trường Thế giới (5/6):

Ô nhiễm không khí – Những vấn đề cần quan tâm

TTH.VN - Ô nhiễm không khí ở quanh chúng ta: trong nhà, ngoài trời, trong thành phố hay ở nông thôn. Nó ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, cho dù chúng ta có nhận ra hay không.

Tuổi thọ con người có thể giảm 20 tháng do ô nhiễm không khíNgại ô nhiễm, doanh nghiệp châu Á khó giữ chân nhân sự cấp caoChâu Á-Thái Bình Dương: 92% người dân tiếp xúc với mức độ ô nhiễm nguy hiểmTử vong do ô nhiễm không khí gấp đôi các ước tínhUNEP: Hàng triệu người có nguy cơ tử vong sớm vào năm 2050ASEAN: Người dân thiếu thông tin về chất lượng không khíLHQ: Ô nhiễm không khí cướp đi 7 triệu sinh mạng mỗi năm

Mỗi năm có khoảng 7 triệu ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí. Ảnh: AP

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, một số khía cạnh đáng lo ngại về những gì có trong không khí xung quanh, và nó ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta như thế nào. Càng tìm hiểu, chúng ta càng nhận ra rằng nguồn sống thiết yếu cho hành tinh này cần phải được chăm sóc một cách nghiêm túc. Không có không khí thì không thể có sự sống, nhưng hít thở không khí ô nhiễm sẽ làm chúng ta phải đối mặt với một cuộc sống bệnh tật và tử vong sớm.

Vì tầm quan trọng đó, ô nhiễm không khí được chọn là chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới năm nay (5/6/2019). Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), chất lượng không khí mà chúng ta hít thở phụ thuộc vào các lựa chọn lối sống mà chúng ta thực hiện mỗi ngày, do đó, không có lý do gì để không hành động nhằm giảm thiểu và loại bỏ ô nhiễm không khí khỏi cuộc sống của chúng ta.

Không khí ô nhiễm gây ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe

Không còn nghi ngờ gì nữa, ô nhiễm không khí hiện nay là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Nó đe dọa tất cả mọi người, từ trẻ sơ sinh, trẻ đi bộ đến trường, cho đến những phụ nữ đang nấu ăn bên những bếp lò đang cháy...

Ngoài đường hay trong nhà, các nguồn gây ô nhiễm không khí có thể rất khác nhau, nhưng ảnh hưởng của chúng đều nguy hiểm như nhau: hen suyễn, các bệnh khác về đường hô hấp và bệnh tim là một trong những tác động xấu đến sức khỏe do không khí ô nhiễm gây ra.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 7 triệu ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí, tương đương 800 người tử vong mỗi giờ hay 13 người mỗi phút. Nhìn chung, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong hơn nhiều yếu tố nguy cơ khác như suy dinh dưỡng, sử dụng bia rượu và không hoạt động thể chất.

Trẻ em có nguy cơ cao nhất

Trên toàn cầu, 93% trẻ em hít thở không khí có chứa nồng độ chất ô nhiễm cao hơn mức an toàn mà WHO đưa ra. Hậu quả là 600.000 trẻ em chết sớm mỗi năm vì ô nhiễm không khí. Không chỉ vậy, tiếp xúc với không khí bẩn cũng gây hại cho sự phát triển của não, dẫn đến suy giảm nhận thức và vận động, đồng thời khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh mãn tính cao hơn sau này.

Ô nhiễm không khí trong nhà đặc biệt có hại cho phụ nữ và trẻ em do vai trò chủ yếu ở nhà của nhóm đối tượng này trong nhiều nền văn hóa. Khoảng 60% các ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà trên toàn cầu là ở phụ nữ và trẻ em, và hơn một nửa số ca tử vong do viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi có thể là do ô nhiễm không khí trong nhà.

Với chiều cao thấp hơn người lớn, trẻ em thượng chịu tác động nhiều hơn từ ô nhiễm không khí ầng mặt đất. Ảnh: UN Enviroment

Ô nhiễm đi đôi với đói nghèo

Ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bất công bằng xã hội và bất bình đẳng toàn cầu, ảnh hưởng không tương xứng đến người nghèo.

Trong nhà, ô nhiễm không khí chủ yếu đến từ nhiên liệu, hệ thống sưởi và nấu ăn phát ra. Nguyên liệu sưởi ấm và nấu ăn sạch và công nghệ thường nằm ngoài tầm với của các gia đình có thu nhập thấp, vì vậy các lựa chọn thay thế gây ô nhiễm là điều hiển nhiên. Khoảng 3 tỷ người phụ thuộc vào việc đốt nhiên liệu rắn hoặc dầu hỏa để đáp ứng nhu cầu năng lượng của hộ gia đình và 3,8 triệu người trong số họ sẽ chết mỗi năm do tiếp xúc với các chất ô nhiễm này.

Các thành phố và vùng ngoại ô đông đúc là điểm nóng cho ô nhiễm không khí ngoài trời. Theo WHO, 97% các thành phố ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình với hơn 100.000 dân không đáp ứng mức chất lượng không khí tối thiểu. Khoảng 4 triệu trong số khoảng 7 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí hàng năm sống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, ở các quốc gia có thu nhập cao, chỉ có khoảng 29% các thành phố không đáp ứng được các hướng dẫn của WHO. Nhưng ngay ở các quốc gia này cũng vậy, các cộng đồng nghèo hơn thường nằm trong hoặc gần những nhà máy điện, khu công nghiệp, lò đốt rác và đường sá sầm uất.

Nhiên liệu càng rẻ, chi phí càng cao

Khi người dân bị bệnh, cả cộng đồng phải chịu đựng. Người bị bệnh cần được chăm sóc y tế và thuốc men, trẻ em phải nghỉ học và người lớn đi làm phải bỏ dỡ công việc nhiều ngày, do sức khỏe kém của bản thân hoặc để chăm sóc người thân. Theo Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm không khí gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn 5 nghìn tỷ USD mỗi năm về chi phí phúc lợi và 225 tỷ USD thu nhập bị mất.

Một nghiên cứu năm 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán rằng, nếu tình hình không thay đổi, đến năm 2060, chi phí phúc lợi toàn cầu hàng năm cho những người chết sớm do ô nhiễm không khí ngoài trời sẽ từ 18.000 - 25.000 tỷ USD, và chi phí do bệnh tật ước tính khoảng 2.200 tỷ USD.

Ngoài ra, còn có những chi phí khác ít trực tiếp hơn, nhưng vẫn ảnh hưởng đến toàn cầu như ôzôn trên mặt đất dự kiến ​​sẽ làm giảm năng suất cây trồng chủ lực 26% vào năm 2030, tạo ra những thách thức về an ninh lương thực và dinh dưỡng.

UNEP ước tính rằng các hành động khí hậu để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris sẽ tiêu tốn khoảng 22 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, bằng cách giảm ô nhiễm không khí, chúng ta có thể tiết kiệm được 54 nghìn tỷ USD, kết hợp với các lợi ích sức khỏe. Như vậy rõ ràng, hành động chống lại ô nhiễm không khí sẽ có thể giúp tiết kiệm 32 nghìn tỷ USD.

Không khí sạch là quyền của con người

Quyền có một môi trường sống lành mạnh được nêu trong hiến pháp, hình thức bảo vệ pháp lý mạnh nhất tại hơn 100 quốc gia. Ít nhất 155 quốc gia có nghĩa vụ pháp lý, thông qua các hiệp ước, hiến pháp và pháp luật, để tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền đối với môi trường lành mạnh.

Quyền làm sạch không khí cũng được đưa vào Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, và được ghi nhận đầy đủ trong các Mục tiêu phát triển bền vững trong kế hoạch toàn cầu vì hòa bình và thịnh vượng.

Do đó, hãy nhớ rằng, không khí sạch là quyền của bạn, và cũng phụ thuộc hành động của bạn!

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Worldenvironmentday & UN Enviroment)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch quá mức đang tàn phá thiên đường Bali

Khi các dòng khách đang giảm mong muốn du lịch vì chi phí quá đắt đỏ, tại một số địa điểm, tình trạng này vẫn tồn tại gây nhiều ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân địa phương.

Du lịch quá mức đang tàn phá thiên đường Bali

TIN MỚI

Return to top