82% dân số châu Phi chưa được tiếp cận với an sinh xã hội. Ảnh: The Nation
Ngoài ra, theo các số liệu được công bố trong “Báo cáo an sinh xã hội thế giới 2017 -2019: Phổ cập an sinh xã hội để đạt mục tiêu phát triển bền vững”, chỉ khoảng 45% dân số toàn cầu được bao phủ thực tế bởi ít nhất một chế độ an sinh xã hội, và trong 55% dân số chưa được tiếp cận còn lại, phần lớn là người dân thuộc khu vực châu Á và châu Phi.
Con số ít ỏi
Được biết, chỉ có 7 quốc gia châu Phi bao gồm: Botswana, Cape Verde, Lesotho, Mauritius, Namibia, Nam Phi và Tanzania đã đạt được mức trợ cấp phổ cập trung bình. Tuy nhiên, con số này được ghi nhận là quá ít ỏi, dẫn đến tình trạng xuất hiện khoảng cách giữa hai nhóm dân, khi vẫn còn tồn tại một lượng lớn trẻ em, người tàn tật, người già và người thất nghiệp tại nhiều nơi trên địa bàn khu vực. Ngoài ra, quyền lợi tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân ở đây vẫn còn khan hiếm, đặc biệt là vùng nông thôn – nơi có đến 56% người dân không có bảo hiểm, vượt xa so với 22% ở khu vực thành thị.
Điều này liên quan mật thiết đến hiện trạng châu Phi đang thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế, để trực tiếp thăm khám, hỗ trợ người dân đối phó với các dịch bệnh nguy hiểm như Ebola... Sự thiếu hụt hơn 7 triệu nhân viên y tế chuyên môn, cũng như mức thâm hụt lớn trong ngân sách chi tiêu cho y tế được xem là hai trong số những nguyên nhân chính làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng ở nông thôn.
“Thiếu an sinh xã hội, con người rất dễ bị tổn thương bởi bệnh tật, thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng và bị cách biệt khỏi xã hội. Việc không đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người dân là một cản trở lớn cho công cuộc phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nước nhà”, Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh.
Đẩy mạnh kế hoạch hỗ trợ
Trước sự cấp thiết phải khắc phục tình trạng này, tổ chức ILO hiện đang nhanh chóng thúc đẩy thực hiện các chính sách, cùng lúc hỗ trợ các quốc gia mở rộng mức bộ bảo trợ an sinh xã hội cho tất cả người dân. Ngoài ra, tổng giám đốc Guy Ryder cho rằng cần nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện số lượng người dân có bảo hiểm an sinh xã hội trong toàn khu vực. Đây là vấn đề tối quan trọng, để đạt được công bằng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và đẩy nhanh tiến trình đạt được các mục tiêu được liệt kê trong chương trình nghị sự 2030: vì sự phát triển bền vững.
Trong một động thái có liên quan, ông Comrade Ayuba Wabba - Chủ tịch Hiệp hội Lao động Nigeria (NLC) mô tả tiếp cận với an sinh xã hội là quyền của mọi công dân, đặc biệt ở Nigeria. Bảo hiểm xã hội là ưu tiên hàng đầu đối với tầng lớp lao động, vì đây là trọng tâm của công lý xã hội.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ The nation News)