Thứ Hai, 14/03/2016 14:45
(GMT+7)
Phát triển vaccine mới giúp cai nghiện thuốc lá
TTH.VN - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêu thụ thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới – những cái chết vốn có thể ngăn chặn được, khi giết chết gần 6 triệu người và gây thiệt hại kinh tế hơn 500 tỷ USD mỗi năm, PressTV ngày 14/3 đưa tin.
|
Hút thuốc lá giết chết 6 triệu người mỗi năm. Ảnh: PresstV. |
Cũng theo thống kê của WHO, hút thuốc lá đã giết chết gần 100 triệu người trong thế kỷ qua, và nếu xu hướng này tiếp tục, nó sẽ gây tử vong cho khoảng hơn 1 tỷ người trong thế kỷ 21. Những con số gây sốc này cùng với những cảnh báo nghiêm trọng về sức khỏe khiến nhiều người nghiện thuốc lá cố gắng bỏ hút thuốc, mặc dù trong nhiều trường hợp, họ không thể chống lại cảm giác thèm hút thuốc, và không ít người bị tái nghiện. Sở dĩ như vậy là do chất nicotine, thành phần chính trong thuốc lá vừa có tác dụng như một chất an thần, vừa là một trong số những chất gây nghiện.
Theo thông tin được đăng tải trên tờ Journal of Medicinal Chemistry, một số nhà khoa học mới đây thông báo rằng họ đã tìm ra một cách hiệu quả để chống lại các cơn nghiện nicotine.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Scripps ở California, Hoa Kỳ cho biết họ đã phát triển thành công một loại vaccine có thể khiến hệ thống miễn dịch tiêu diệt các phân tử nicotine - tác nhân gây nghiện thuốc lá, trước khi chúng tiến lên não.
Loại vaccine mới này nhằm thay đổi các phân tử nicotine, giúp các kháng thể của hệ miễn dịch có thể tấn công chất gây nghiện, và làm chậm tác động của chúng.
"Khó khăn lớn nhất trong việc phát triển chiến lược này là phải tạo ra nồng độ kháng thể đủ cao để hạn chế việc phân phối nicotine lên não", các nhà nghiên cứu cho biết.
Vaccine mới được phát triển, đã được thử nghiệm trên một nhóm chuột, cho thấy nó trì hoãn những tác động của các tác nhân gây nghiện sau khi tiêm vaccine. Nghiên cứu cũng cho thấy những con chuột được điều trị có nồng độ nicotin trong não thấp hơn những con không được tiêm thử nghiệm.
Bảo Nghi (Lược dịch từ PressTV & Sciencedaily)