ClockThứ Tư, 10/10/2018 06:53

Rối loạn sức khỏe tâm thần có thể tiêu tốn 16 nghìn tỷ USD đến năm 2030

TTH.VN - Rối loạn sức khỏe tâm thần đang gia tăng ở mọi quốc gia trên thế giới và có thể khiến nền kinh tế toàn cầu tổn thất tới 16 nghìn tỷ USD từ năm 2010 đến năm 2030 nếu các nỗ lực tập thể để đối phó với cuộc khủng hoảng về sức khoẻ này không đạt kết quả, báo cáo của các chuyên gia y tế hôm qua nhận định.

Bệnh tâm thần: “trở ngại lớn” cho sự phát triển của toàn cầuWHO: Trầm cảm toàn cầu tăng mạnh trong thập kỷ qua1/4 phụ nữ trẻ ở Anh bị lo lắng và trầm cảm

Các bệnh nhân của chứng rối loạn sức khoẻ tâm thần cần được chăm sóc tốt hơn. Ảnh: Getty

Báo cáo của Ủy ban Lancet từ nghiên cứu và ý kiến của 28 chuyên gia toàn cầu về tâm thần, y tế công cộng và khoa học thần kinh, cùng với các bệnh nhân tâm thần và các nhóm vận động, cho biết cuộc khủng hoảng này đang ngày càng tăng và có thể gây hại lâu dài cho người dân, cộng đồng và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trên toàn thế giới.

Trong khi một số chi phí sẽ được dùng trực tiếp cho việc chăm sóc sức khỏe, thuốc thang hoặc các phương pháp điều trị khác, phần lớn tổn thất là gián tiếp - dưới hình thức mất năng suất và chi tiêu cho phúc lợi xã hội, giáo dục,  luật pháp và trật tự, đồng tác giả của báo cáo Vikram Patel cho hay.

Đồng quan điểm, giáo sư Patel tại Trường Y Harvard, Mỹ cho rằng, “tình hình đang cực kỳ ảm đạm”. Theo ông, gánh nặng bệnh tâm thần đã gia tăng "đáng kể" trên toàn thế giới trong 25 năm qua, một phần do sự lão hóa xã hội, nhưng "không có nước nào đầu tư đủ" để giải quyết vấn đề.

"Không có tình trạng sức khỏe nào khác trong nhân loại bị bỏ quên nhiều như sức khỏe tâm thần", giáo sư Patel nhấn mạnh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng, hiện có khoảng 300 triệu người trên toàn thế giới bị trầm cảm và 50 triệu người mắc bệnh mất trí nhớ. Chứng tâm thần phân liệt được ước tính ảnh hưởng đến 23 triệu người, và rối loạn lưỡng cực tác động đên khoảng 60 triệu người.

Báo cáo của Lancet cũng phát hiện ra rằng ở nhiều nước, những người mắc các chứng rối loạn tâm thần phổ biến như trầm cảm, lo âu và tâm thần phân liệt thường xuyên bị vi phạm nhân quyền, ví dụ như giam cầm hoặc bị đối xử bạo lực.

Ông Richard Horton, tổng biên tập của tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet cho biết, báo cáo này nhấn mạnh đến “việc điều trị đáng xấu hổ và gây sốc cho những người bị bệnh tâm thần trên khắp thế giới", đồng thời kêu gọi các cách tiếp cận mới dựa trên nhân quyền để đảm bảo rằng những người mắc chứng rối loạn sức khỏe tâm thần không bị từ chối các quyền con người cơ bản, kể cả tiếp cận với việc làm, giáo dục và những trải nghiệm sống cốt lõi khác.

Báo cáo cũng nêu kiến nghị về việc cần nhiều thay đổi trong các dịch vụ chăm sóc cộng đồng đối với bệnh nhân tâm thần, với phương pháp điều trị tâm lý xã hội được cung cấp không chỉ bởi các chuyên gia y tế mà còn bởi các nhân viên y tế cộng đồng, đồng nghiệp, giáo viên và giáo sĩ.

Báo cáo trên được công bố trước thềm hội nghị thượng đỉnh về sức khỏe tâm thần toàn cầu lần đầu tiên sẽ được tổ chức ở London trong tuần này.

BẢO NGHI (Lược dịch Reuters)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đừng quá gây áp lực cho trẻ

Quá lo lắng, hoảng sợ vì bị la mắng, áp lực về thành tích, điểm số,... dẫn đến học sinh có xu hướng trầm cảm, tự ti, sang chấn tâm lí,...

Đừng quá gây áp lực cho trẻ

TIN MỚI

Return to top