Ảnh minh họa. CNA
Tăng trưởng toàn cầu dự báo giảm xuống còn 2,9% - đây là số liệu được điều chỉnh từ mức 3% của năm 2018 trong bối cảnh rủi ro đang ngày càng tăng cao. Không dừng lại ở đó, cho đến năm 2020, con số biểu thị thậm chí còn giảm xuống mức 2,8%.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu vừa được công bố, WB nhận định triển vọng cho nền kinh tế toàn cầu đã và đang “mờ mịt đi”, khi điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, căng thẳng thương mại cũng gia tăng, cùng lúc cũng chứng kiến một số nền kinh tế mới nổi và nhiều nền kinh tế đang phát triển trải qua khá nhiều căng thẳng trong thị trường tài chính, tiền tệ. Sau khi đưa ra những con số chứng minh cụ thể, bản báo cáo cũng nêu ra hàng loạt lời kêu gọi triển khai chuỗi hành động khẩn cấp và quan trọng để đối phó với vấn đề này.
“Đối diện với những làn gió thổi ngược này, sự phục hồi của thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển bị mất đà”, nội dung bản báo cáo cho hay. Cụ thể, thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 4.2% trong năm 2019, thấp hơn 0,5% so với dự kiến được đưa ra hồi tháng 6/2018. Cũng trong tình hình này, tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển tiên tiến được dự báo sẽ giảm mạnh từ 2,2% trong năm 2018 xuống còn 2% trong năm 2019.
Một lần nữa, báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu nhận định: “Rủi ro đã và đang ngày càng trở nên gay gắt hơn, trong đó bao gồm cả khả năng rối loại thị trường tài chính và leo thang căng thẳng thương mại”. Từ đó, căng thẳng thương mại diễn biến phức tạp có thể sẽ gây nên tác động lớn, khiến tăng trưởng toàn cầu yếu hơn và phá vỡ chuỗi giá trị liên kết toàn cầu.
Trong đó, Trung Quốc được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng vào khoảng 6,2% trong năm 2019, thấp hơn mức 6,5% đạt được trong một năm trước đó do quá trình tái cân bằng trong nước và nước ngoài tiếp tục kéo dài. Đối với Mỹ, dự kiến tăng trưởng ở quốc gia này sẽ giảm xuống từ 2,9% trong năm 2018 xuống còn 2,5% vào năm 2019 và nhiều khả năng có thể sẽ chạm mốc 1,7% trong năm 2020.
Trong phát biểu mới nhất của mình, Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới, bà Kristalina Georgieva khẳng định: “Khi những làn gió thổi ngược về tài chính và kinh tế làm sâu sắc thêm ảnh hưởng đến các quốc gia mới nổi và đang phát triển, tiến trình giảm nghèo cùng cực của thế giới có thể sẽ bị hủy hoại”. Nhằm giải quyết vấn đề này, hầu hết những ưu tiên chính, mang tính khẩn cấp của các nhà hoạch định chính sách cho thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển là rất cần thiết để “chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đọ sức về căng thẳng trong thị trường tài chính và tái xây dựng khoảng đệm chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp”. Không kém phần quan trọng, bản báo cáo cũng chỉ rõ, các nhà hoạch định chính sách cần thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng mạnh mẽ hơn bằng cách tăng vốn nhân lực, xóa bỏ rào cản đối với đầu tư và thúc đẩy hội nhập thương mại trong một hệ thống đa phương dựa trên quy tắc.
Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse & CNA)