Hành khách ký gửi hành lý tại một buồng tự động ở nhà ga số 4 của sân bay quốc tế Changi, Singapore. Ảnh: AFP
Các sân bay đang phải vật lộn để đối phó với số lượng hành khách ngày càng tăng, những người cũng đang đòi hỏi khắt khe hơn. Điều này thúc đẩy các sân bay thử nghiệm những công nghệ thông minh.
Ở Đông Nam Á, sân bay Changi của Singapore đang dẫn đầu về đổi mới. Hồi đầu năm ngoái, Tập đoàn Sân bay Changi (CAG) ra mắt Living Lab (Phòng thí nghiệm sống) phối hợp với Uỷ ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB).
Theo đó, Living Lab sử dụng nhà ga số 4 của sân bay Changi như một thử nghiệm sống cho các công nghệ mới, tập trung vào một số lĩnh vực, cụ thể là tự động hóa và robot, phân tích dữ liệu, Internet vạn vật (IoT), công nghệ bảo mật an ninh và quản lý cơ sở hạ tầng thông minh.
Trong một động thái liên quan, Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đã tiến hành các cuộc khảo sát hàng năm để có được cái nhìn sâu sắc về những gì mà hành khách mong muốn. Hồi năm ngoái, Khảo sát Hành khách Toàn cầu của đơn vị này cho thấy, hành khách muốn được trải nghiệm nhiều công nghệ hơn để khiến các quy trình thủ tục sân bay trở nên hiệu quả hơn.
Cụ thể, 82% số hành khách được khảo sát muốn sử dụng một hộ chiếu kỹ thuật số trên điện thoại thông minh, để bao gồm càng nhiều quy trình thủ tục sân bay càng tốt, từ việc đặt vé máy bay cho đến đi qua sân bay.
Ông Nick Careen, Phó chủ tịch cấp cao về sân bay, hành khách, hàng hóa và an ninh của IATA cho hay: “Hành khách muốn sử dụng một thẻ sinh trắc học duy nhất cho tất cả các giao dịch đi lại của họ, từ đặt vé máy bay đến đi qua kiểm tra an ninh và kiểm soát biên giới...”.
Khái niệm “One ID”
IATA đang thúc đẩy khái niệm “One ID” (“Một Nhận dạng”) để thay thế những quy trình lặp đi lặp lại hiện nay trong việc trình thẻ lên máy bay và hộ chiếu cho các bên khác nhau bởi những mục đích khác nhau.
Mỗi bên liên quan, gồm các hãng hàng không, kiểm soát biên giới, cơ quan hải quan và kiểm tra sẽ phát triển những quy trình độc lập. Với “One ID”, việc sử dụng nhận dạng số đáng tin cậy, nhận dạng sinh trắc học và nền tảng quản lý nhận dạng cộng tác được chia sẻ, sẽ giúp đơn giản hóa các quy trình thủ tục. Điều này có thể làm giảm thời gian xếp hàng và chờ đợi, cũng như ngăn chặn việc sử dụng giấy tờ nhận dạng giả mạo, trong các trường hợp xảy ra nạn buôn người và trốn tránh luật pháp.
Ngoài ra, IATA cũng đang triển khai kế hoạch sử dụng nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) trong thẻ hành lý bắt đầu từ năm 2020. Với các con chip RFID trong thẻ, hành lý có thể được theo dõi tại bất kỳ địa điểm nào trong tất cả các quy trình sân bay, giảm thiểu nguy cơ thất lạc, trộm cắp và gian lận.
Các sân bay ở London, Tokyo và Singapore, cùng những sân bay khác đang thúc đẩy các thiết bị như xe tự lái, hệ thống xử lý và vận chuyển hành lý tự động…
Sân bay Tokyo của Nhật Bản triển khai robot để hỗ trợ an ninh, vận chuyển, logistics và dịch thuật tại sân bay. Sân bay Incheon của Hàn Quốc cũng triển khai robot để cung cấp thông tin và hướng dẫn đường đi đến các cổng khởi hành. Chúng di chuyển tự động và điều hướng bằng máy ảnh, siêu âm, laser và cảm biến tiệm cận, nhận dạng giọng nói, có thể xử lý ngôn ngữ và hiển thị thông tin trên màn hình LCD.
Trong khi đó, nhà ga số 4 của sân bay Changi đang thử nghiệm một chiếc xe điều khiển từ xa, có thể vận chuyển hành lý từ máy bay đến khu vực xử lý hành lý chỉ trong vòng 10 phút. Nhà ga cũng dùng robot để phục vụ thức ăn trong các phòng chờ. Nhà bếp của nhà ga này có dây chuyền lắp ráp chỉ hoạt động với 9 nhân viên, thay vì 45 nhân viên.
Tương lai của các sân bay sẽ chứng kiến việc sử dụng rộng rãi hơn và sáng tạo hơn trí tuệ nhân tạo (AI), robot, sinh trắc học và tự động hóa. Mọi người đều có thể bay, nhưng họ sẽ phải tự mình làm mọi việc.
Lê Thảo (Lược dịch từ The ASEAN Post)