|
Một hành khách bước ra khỏi chiếc máy bay Ai Cập bị bắt cóc. Ảnh: Independent.
|
Các nguồn tin chính thức của Ai Cập đêm 29/3 cho biết, Cơ quan công tố nước này đã quyết định triệu tập người đứng đầu cơ quan an ninh sân bay Burj Al Arab ở thành phố Alexandria, cùng một số quan chức an ninh khác, để thẩm vấn về vụ bắt cóc chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Ai Cập xuất phát từ sân bay Burj Al Arab.
Chính quyền Ai Cập hiện cũng đang tích cực tiến hành một cuộc điều tra tìm nhằm hiểu động cơ thực sự đứng đằng sau vụ bắt cóc chiếc máy bay.
Trước đó, đích thân Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail đã ra lệnh cho Bộ trưởng Hàng không dân dụng nước này tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc về vụ bắt cóc, đồng thời tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh tại tất cả các sân bay trong nước.
Vụ bắt cóc chiếc máy bay Airbus 320 mang số hiệu MS181 của hãng hàng không Ai Cập đã kết thúc lúc gần 2h chiều qua, giờ địa phương, tức hơn 5 tiếng sau khi máy bị buộc phải hạ cánh xuống sân bay Larnaca của Síp theo yêu cầu của kẻ bắt cóc.
Nghi phạm là một công dân Ai Cập có tên gọi Seif El Din Mostafa, đã chấp nhận đầu hàng lực lượng an ninh Síp mà không cần đến biện pháp can thiệp bằng vũ lực.
Toàn bộ 62 người có mặt trên máy bay gồm 55 hành khách thuộc nhiều quốc tịch khác nhau và 7 thành viên phi hành đoàn, đều được an toàn. Giới chức an ninh Síp đã không tìm thấy bất kỳ vật liệu nổ nào trong chiếc bao lưng của nghi phạm cũng như trên chiếc máy bay bị bắt cóc.
Theo Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ai Cập Sherif Fathi, kẻ bắt cóc chiếc máy bay không phải là khủng bố và người này có những biểu hiện của bệnh tâm thần. Tuy nhiên, động cơ thực sự đứng đằng sau vụ bắt cóc vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Vụ bắt cóc chiếc máy bay chở khách của Ai Cập hôm qua là sự cố hàng không nghiêm trọng thứ hai xảy ra tại quốc gia Bắc Phi trong vòng chỉ một nửa năm qua.
Cách đây đúng 6 tháng, vào ngày cuối cùng của tháng 10/2015, chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Nga đã bị rơi trên bán đảo Sinai của Ai Cập chỉ ít phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế ở thành phố Sharm El Sheikh, khiến toàn bộ 224 du khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Sau nhiều tháng điều tra, cả Nga và Ai Cập cuối cùng đều xác nhận vụ rơi máy bay là do khủng bố thực hiện. Thảm hoạ đã giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch, một trong những trụ cột của nền kinh tế Ai Cập, khiến doanh thu của ngành này sụt giảm nghiêm trọng ở mức chưa từng có.
Khởi đầu vụ bắt cóc máy bay hôm qua, nhiều nhà phân tích đã dự đoán một kịch bản cực kỳ tồi tệ cho ngành du lịch Ai Cập nếu vụ bắt giữ chiếc máy bay đó được xác định là có bàn tay khủng bố đứng đằng sau”./.
Theo VOV