|
Đà tăng trưởng chậm của Trung Quốc ảnh hưởng đến sự phát triển của cả khu vực Đông Á-Thái BÌnh Dương. Ảnh: AFP |
Theo WB, mức tăng trưởng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (EAP), bao gồm cả Trung Quốc, dự kiến sẽ đạt 6,3% trong năm 2016 và 6,2% trong năm 2017, đồng nghĩa với việc tăng trưởng chậm lại so với mức 6,5% của năm 2015. Trước đó, mức dự báo tương ứng ở khu vực này là 6,4% tăng trưởng trong năm 2016 và 6,3% trong năm 2017.
Sự suy giảm trên chủ yếu là do Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng chậm, với dự đoán đạt 6,7% trong năm nay (2016) và giảm tiếp còn 6,5% vào năm 2017, trong khi mức tăng trưởng năm 2015 đạt 6,9%, WB nhận định. Các dự báo tăng trưởng của Trung Quốc vẫn không thay đổi kể từ tháng 10 năm ngoái.
"Đà tăng trưởng tích cực và tiến trình xóa đói giảm nghèo trong khu vực này đang chịu rủi ro cao", WB tuyên bố trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế mới nhất ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vừa công bố hôm nay.
Các rủi ro có thể phải đối mặt bao gồm sự phục hồi yếu hơn dự kiến ở các nền kinh tế có thu nhập cao, sự suy giảm nhanh hơn dự kiến ở Trung Quốc và sự gia tăng những biến động trên thị trường tài chính, có khả năng dẫn đến việc thắt chặt các quy định tiền tệ và gây ra những tác động xấu lên nền kinh tế thực tại, WB cho biết. Ngoài ra, WB cũng cảnh báo rằng sự sụt giảm hơn nữa giá cả hàng hóa sẽ có tác động tiêu cực đến các nhà xuất khẩu lớn và giảm không gian cho chi tiêu công và đầu tư.
Tăng trưởng tại Malaysia có khả năng đạt 4,4% trong năm 2016 và 4,5% trong năm 2017, giảm từ mức 5,0% trong năm 2015, do nhu cầu suy yếu từ phía Trung Quốc và giá cả hàng hóa thấp sẽ kìm hãm tăng trưởng và chi tiêu công, theo WB.
Đà tăng trưởng của Thái Lan dự kiến cũng tiếp tục suy giảm, đạt 2,5% trong năm 2016 và 2,6% trong năm 2017, giảm từ mức 2,8% trong năm 2015, do nhu cầu bên ngoài suy yếu và những chính sách bất ổn dường như cũng gây nhiều ảnh hưởng đến quá trình đầu tư tư nhân.
Trong khi đó, Indonesia có thể sẽ đạt mức tăng trưởng tăng lên đến 5,1% trong năm 2016 và 5,3% trong năm 2017, tăng từ 4,8% trong năm 2015, mặc dù giá cả hàng hóa vẫn thấp và phải đối mặt với “những cơn gió ngược chiều” trong nhu cầu bên ngoài.
"Tuy nhiên, triển vọng này còn tùy thuộc vào việc thực hiện các chương trình đầu tư công cộng đầy tham vọng, và sự thành công của những cải cách gần đây nhằm giảm nạn quan liêu và bất ổn cho các nhà đầu tư tư nhân," WB nhận định, khi nói về Indonesia.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & Newsunited)