ClockThứ Ba, 16/07/2019 07:06

WHO: 20 triệu trẻ em trên toàn cầu không được tiêm chủng trong năm 2018

TTH.VN - Hơn 1 trong 10 trẻ em, tương đương với gần 20 triệu trẻ trên toàn thế giới - đã không được tiêm chủng các loại vaccine cần thiết trong năm 2018, Liên Hiệp quốc hôm qua (15/7) công bố, với các trở ngại bao gồm xung đột, các vấn đề về chi phí và chủ quan.

Đối mặt với dịch sởi, New York cấm miễn trừ tiêm chủng theo tôn giáoBáo động từ WHO: Số ca mắc sởi tăng gấp 4 lần trong quý I/2019Dịch sởi quay lại: Sự trả giá của trào lưu chống vaccineWHO triển khai tiêm chủng quy mô lớn để dập dịch sốt vàng ở EthiopiaLHQ: Hàng triệu trẻ em vẫn không được chủng ngừa

Một cậu bé mỉm cười khi tiêm vaccine sởi và rubella ở Yemen, tháng 2/2019. Ảnh: UNICEF

Theo một nghiên cứu chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), 11,7 triệu trong tổng số 19,4 triệu thanh niên chưa được tiêm chủng trên thế giới tập trung chỉ ở 10 quốc gia, cao nhất là Nigeria (3 triệu), Ấn Độ ( 2,6 triệu) và Pakistan (1,4 triệu).

Trên toàn cầu, kể từ năm 2010, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng với 3 liều bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) và một liều vaccine sởi đã bị đình trệ ở mức khoảng 86%. Trong khi độ bao phủ tiêm chủng cần thiết là 95 % trên toàn cầu, trên khắp các quốc gia và cộng đồng, để có thể bảo vệ người dân chống lại sự bùng phát của các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine.

“Vaccine là một trong những công cụ quan trọng nhất của chúng tôi để ngăn chặn dịch bệnh và giữ an toàn cho thế giới”, bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết. Trong khi hầu hết trẻ em ngày nay đang được tiêm phòng thì vẫn có quá nhiều người bị bỏ lại phía sau. Đáng lo ngại, đó thường là những người có nguy cơ cao nhất, những người nghèo nhất, bị thiệt thòi nhất, những người bị ảnh hưởng bởi xung đột hoặc bị ép buộc từ phía gia đình...

Hầu hết trẻ em có nguy cơ sống ở các quốc gia bị xung đột

Gần một nửa số thanh niên có nguy cơ này tập trung ở 16 quốc gia: Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Ethiopia, Haiti, Iraq, Mali, Nigeria, Nigeria, Pakistan, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria và Yemen.

Nếu những đứa trẻ này bị bệnh, chúng có nguy cơ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhất về sức khỏe và ít có khả năng tiếp cận điều trị và chăm sóc cứu sinh, WHO và UNICEF cho biết trong một tuyên bố chung.

Dịch sởi bùng phát

Sự chênh lệch rõ rệt trong việc tiếp cận vaccine vẫn tồn tại trên khắp các quốc gia ở mọi mức thu nhập. Điều này đã dẫn đến sự bùng phát mạnh mẽ bệnh sởi ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Theo thống kê trong năm 2018, gần 350.000 ca mắc sởi đã được báo cáo trên toàn cầu, tăng gấp đôi so với năm 2017.

Giám đốc điều hành của UNICEF, ông Henrietta Fore nhấn mạnh rằng, đó là một chỉ số thời gian thực cho thấy chúng ta có nhiều việc phải làm để chống lại các căn bệnh có thể phòng ngừa được. Vì bệnh sởi rất dễ lây lan, do đó rất dễ bùng phát đối với các cộng đồng đang thiếu vaccine do các trở ngại về việc tiếp cận, thiếu chi phí hoặc, ở một số nơi, là sự tự mãn. Chúng ta cần phải nỗ lực hết sức để tiêm chủng cho mọi trẻ em.

Ukraine dẫn đầu danh sách các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh sởi được báo cáo cao nhất vào năm 2018. Trong khi nước này hiện đã tiêm phòng cho hơn 90% trẻ sơ sinh, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thấp trong vài năm trước đó (chỉ 56% trong năm 2010) đã khiến một số lượng lớn trẻ em và người lớn phải đối mặt với nhiều nguy cơ mắc bệnh.

Một số quốc gia khác có độ bao phủ tiêm chủng cao nhưng hiện vẫn có tỷ lệ mắc bệnh cao do có những nhóm người đã bỏ lỡ việc tiêm vaccine sởi trong quá khứ. Điều này cho thấy mức độ bao phủ thấp theo thời gian hoặc các cộng đồng rời rạc của những người chưa được tiêm chủng có thể gây ra những đợt bùng phát chết người.

Lần đầu tiên có dữ liệu tiêm chủng vaccine HPV

WHO và UNICEF cũng vừa đưa ra dữ liệu lần đầu tiên về phạm vi tiêm chủng vaccine papillomavirus ở người (HPV), loại vaccine có thể giúp bảo vệ các cô gái chống lại bệnh ung thư cổ tử cung sau này. Tính đến năm 2018, 90 quốc gia - nơi sinh sống của 1/3 trẻ em gái trên toàn thế giới, đã đưa vaccine HPV vào các chương trình tiêm chủng quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có 13 quốc gia trong số đó là các nước thu nhập thấp hơn. Điều này khiến những người có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của ung thư cổ tử cung vẫn ít có khả năng tiếp cận với vaccine nhất.

Cùng với các đối tác như Gavi, Liên minh vaccine và Sáng kiến ​​Sởi & Rubella, WHO và UNICEF đang hỗ trợ các nước tăng cường hệ thống tiêm chủng và ứng phó với dịch bệnh, bao gồm tiêm chủng cho tất cả trẻ em các loại vaccine thông thường, thực hiện các chiến dịch khẩn cấp, cũng như đào tạo và trang bị cho nhân viên y tế như một phần thiết yếu của dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu chất lượng.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN & WHO)  

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng

Trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 20 ca sốt phát ban nghi sởi và 10 ca mắc bệnh sởi xác định. Điều kiện thời tiết hiện nay là môi trường thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát triển; dự báo các ca bệnh sẽ tăng trong những ngày tới.

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng
ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực

Trong những năm gần đây, tầm quan trọng của vaccine đã và đang được nhấn mạnh. Đại dịch COVID-19 đã phơi bày khoảng cách về năng lực của nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi nói đến đảm bảo tiếp cận vaccine kịp thời. Tương tự như các khu vực khác, ASEAN đã nhận ra nhu cầu cấp thiết phải tăng cường hệ sinh thái/cơ sở hạ tầng vaccine bằng cách sử dụng sáng kiến An ninh và Tự lực vaccine (AVSSR) để đối phó với những vấn đề này.

ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực
Return to top