Theo WHO, khoảng 1/2 số người sử dụng thuốc lá chết vì hậu quả liên quan đến thuốc lá. Ảnh AFP
Báo cáo mới của WHO cho thấy, hiện thế giới có khoảng 5 tỷ người đang sống ở các quốc gia đã ban hành các lệnh cấm hút thuốc, thông qua các cảnh báo bằng hình ảnh trên bao bì và các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả khác. Con số này cao gấp 4 lần so với năm 2007 khi chỉ có khoảng 1 tỷ người (15% dân số thế giới), được bảo vệ bởi một trong các biện pháp kể trên.
Tuy nhiên, báo cáo về đại dịch thuốc lá toàn cầu 2019 của WHO cũng chỉ ra rằng nhiều quốc gia vẫn chưa thực hiện đầy đủ các chính sách, trong đó có việc giúp người dân bỏ thuốc lá, để có thể bảo vệ mạng sống. WHO kêu gọi các chính phủ cần thực hiện các dịch vụ cai nghiện như một phần của các nỗ lực nhằm đảm bảo bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân cho công dân các nước.
Báo cáo lần thứ 7 của WHO phân tích các nỗ lực quốc gia để thực hiện các biện pháp hiệu quả nhất từ Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá của WHO (WHO FCTC) được chứng minh là làm giảm nhu cầu về thuốc lá.
Gói các biện pháp kiểm soát thuốc lá, được gọi là MPOWER, đã được chứng minh là giúp bảo vệ mạng sống và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, bao gồm 6 chiến lược chính, cụ thể là giám sát các chính sách phòng chống và sử dụng thuốc lá, bảo vệ người dân khỏi khói thuốc lá, khuyến nghị giúp bỏ sử dụng thuốc lá, cảnh báo mọi người về sự nguy hiểm của thuốc lá, thực thi lệnh cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, và tăng thuế đối với thuốc lá.
Dịch vụ cai thuốc lá phải được đẩy mạnh
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, kêu gọi các chính phủ nên thực hiện các dịch vụ cai nghiện như một phần trong nỗ lực đảm bảo bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Ông nhấn mạnh “bỏ thuốc lá là một trong những điều tốt nhất mà bất kỳ ai cũng có thể làm cho sức khỏe của chính mình”, đồng thời cho rằng gói MPOWER cung cấp cho chính phủ các công cụ thiết thực để giúp mọi người từ bỏ thói quen, kéo dài tuổi thọ.
Thực tế, nhiều tiến bộ đang được thực hiện, với 2,4 tỷ người sống ở các quốc gia hiện đang cung cấp dịch vụ cai nghiện toàn diện (nhiều hơn 2 tỷ so với năm 2007), tuy nhiên chỉ có 23 quốc gia đang cung cấp dịch vụ cai nghiện ở mức độ thực hành tốt nhất.
Theo ông Michael R. Bloomberg, Đại sứ toàn cầu của WHO về các bệnh không truyền nhiễm và chấn thương, báo cáo này cho thấy nỗ lực của các chính phủ nhằm giúp mọi người bỏ thuốc lá khi được thực hiện đúng cách. Nhiều quốc gia đang nỗ lực đưa việc kiểm soát thuốc lá trở thành ưu tiên hàng đầu và cứu sống mọi người, nhưng ở đó, vẫn còn nhiều việc phải làm, ông Bloomberg nói.
Sử dụng thuốc lá đã giảm tỷ lệ thuận ở hầu hết các quốc gia, nhưng sự gia tăng dân số khiến tổng số người sử dụng thuốc lá vẫn ở mức cao. Hiện tại, ước tính có khoảng 1,1 tỷ người hút thuốc, khoảng 80% trong số đó sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình (LMIC).
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ WHO & UN)