Thế giới

UNCTAD: Cần kiềm chế tác động môi trường trong quá trình số hóa

ClockChủ Nhật, 17/12/2023 07:21
TTH - Trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP28 đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới, Tuần lễ Kinh tế số 2023 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD eWeek 2023) đã nêu bật tiềm năng của số hóa trong việc thúc đẩy hành động vì khí hậu, nhưng đồng thời cũng đề cập đến những chi phí môi trường của quá trình này.

Triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn “rất không chắc chắn”Thương mại kỹ thuật số thúc đẩy tăng trưởng của châu Á - Thái Bình DươngDiễn đàn Đầu tư Thế giới 2023 huy động tài chính cho các lĩnh vực quan trọng

 Bên cạnh nhiều lợi ích, quá trình chuyển đổi số cũng để lại “dấu chân môi trường” trên hành tinh. Ảnh minh họa: Tuoitre

Các công nghệ dựa trên dữ liệu như Internet vạn vật (IoT), robot và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp tăng cường giám sát biến đổi khí hậu, tối ưu hóa quy trình sản xuất và sử dụng năng lượng, đồng thời thúc đẩy áp dụng công nghệ phát thải thấp. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng đã để lại “dấu chân môi trường” (environmental footprint) trên hành tinh thông qua việc sử dụng năng lượng và nước, gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nguyên liệu thô, và làm gia tăng rác thải điện tử.

Ông Torbjorn Fredriksson, Giám đốc phụ trách mảng kinh tế số của UNCTAD cho rằng “chúng ta đang ở thời điểm quan trọng - nơi mà con đường chúng ta chọn trong quá trình số hóa sẽ tác động đáng kể đến môi trường và cả tương lai của hành tinh”.

Sử dụng 6% - 12% năng lượng toàn cầu

Kể từ năm 2010, số người dùng Internet toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi và lưu lượng dữ liệu đã tăng gấp 25 lần. Sự gia tăng các hoạt động trực tuyến như phát video trực tuyến và tải xuống các tập tin đòi hỏi nhiều năng lượng hơn và tạo ra nhiều khí thải hơn.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết các trung tâm dữ liệu và mạng cung cấp dịch vụ trực tuyến và đám mây tạo ra khoảng 1% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) liên quan đến năng lượng trên thế giới. Và các thiết bị, các trung tâm dữ liệu và mạng lưới công nghệ thông tin chiếm từ 6% - 12% mức sử dụng năng lượng toàn cầu.

2,3 tỷ người mua sắm trực tuyến

Theo cơ sở dữ liệu Global Findex, ước tính có khoảng 2,3 tỷ người trên toàn thế giới đã mua sắm trực tuyến trong năm 2021, tăng 68% so với năm 2017. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi của thương mại điện tử, hoạt động này cũng đi kèm với chi phí môi trường, chẳng hạn như rác thải được tạo ra bởi quy trình đóng gói hàng hóa và lượng khí thải GHG từ việc giao hàng và trả hàng ở chặng cuối (do việc đốt nhiên liệu hóa thạch để vận chuyển).

53,6 triệu tấn rác thải điện tử

Rác thải điện tử - đề cập đến các thiết bị điện và điện tử bị thải bỏ, đang ngày càng gia tăng do sự xuất hiện liên tục của các tiện ích và thiết bị mới, từ đó trở thành mối lo ngại lớn.

Báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu” mới nhất cho thấy lượng rác thải điện tử trên thế giới đã tăng 21% lên 53,6 triệu tấn trong gia đoạn từ năm 2014 đến năm 2019, chủ yếu có nguồn gốc từ các nước phát triển. Điều đó có nghĩa là mỗi năm, trung bình mỗi người thải ra đến 7kg rác thải điện tử, và ước tính con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2050.

Rác thải điện tử thường chứa các hóa chất và vật liệu độc hại khác nhau, có thể sẽ phóng thích ra môi trường làm ô nhiễm đất và nguồn nước nếu không được thải bỏ đúng cách. Nhưng đáng buồn thay, hiện chỉ có khoảng 17% rác thải điện tử được tái chế phù hợp.

Đặt tiền đề cho công nghệ tương lai

Trước tình hình đó, ông Fredriksson cho rằng chúng ta phải thận trọng xem xét quá trình chuyển đổi số và các tác động môi trường. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các chính phủ và doanh nghiệp phải hợp tác cùng nhau để giải quyết tất cả các tác động đến môi trường của quá trình số hóa, không chỉ riêng vấn đề khí thải.

Tại UNCTAD eWeek 2023, các diễn giả đã đề xuất các bước mà các nhà hoạch định chính sách có thể thực hiện, như tăng cường thu thập dữ liệu và tính minh bạch trong việc sử dụng năng lượng của các công ty CNTT-TT để cung cấp thông tin cho việc phân tích và hoạch định chính sách tốt hơn, thực hiện các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong mạng truyền dữ liệu, bao gồm các tiêu chuẩn về hiệu quả sử dụng năng lượng của thiết bị.

Đối với doanh nghiệp, các diễn giả khuyến nghị nên thiết kế các thiết bị sử dụng vật liệu bền vững, thúc đẩy tuổi thọ sản phẩm dài hơn và hỗ trợ “quyền sửa chữa” bằng cách cung cấp cho bên thứ ba quyền tiếp cận với các phụ tùng thay thế và thông tin sửa chữa. Ngoài ra, cần sử dụng vật liệu đóng gói thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng, triển khai hệ thống đóng gói tự động để điều chỉnh kích thước hộp cho phù hợp với sản phẩm bên trong. Cải thiện chuỗi cung ứng và hậu cần giao hàng, đồng thời thúc đẩy tính tuần hoàn cũng là những hành động được khuyến khích.

Giám đốc kinh tế số của UNCTAD cho biết “việc áp dụng những điều này và các thực tiễn liên quan khác sẽ không chỉ giảm thiểu tác động môi trường của quá trình số hóa mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển công nghệ trong tương lai”.

Tố Quyên

(Lược dịch từ Nature Journal)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chung tay gìn giữ môi trường”

Được triển khai vào cuối tháng 9 vừa qua, mô hình “Chung tay gìn giữ môi trường” giai đoạn 2024 – 2025 do Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) phối hợp cùng Ban Dân vận Thành ủy Huế thực hiện đang cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu dân cư.

“Chung tay gìn giữ môi trường”
HEPCO kiến tạo môi trường làm việc số

Có bề dày gần 50 năm kinh nghiệm hoạt động chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đang triển khai các giải pháp để thích nghi với thời kỳ chuyển đổi số, một bước đi cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của ngành và sự phát triển không ngừng của xã hội.

HEPCO kiến tạo môi trường làm việc số
Thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường

Ngày 11/10, Tỉnh đoàn - Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Ngày hội thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường năm 2024 tại Trường THCS Nguyễn Khánh Toàn (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà).

Thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường
Return to top