Thế giới

WHO: Những người được tiêm chủng đầy đủ cần tiếp tục đeo khẩu trang

ClockThứ Bảy, 26/06/2021 15:05
TTH.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25/6 đã lên tiếng kêu gọi những người được tiêm chủng đầy đủ tiếp tục đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp an toàn chống lại đại dịch COVID-19 khác, trong bối cảnh biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao lây lan nhanh chóng trên toàn cầu.

WHO: Cần tiêm nhắc vaccine COVID-19 hàng năm cho những người dễ bị tổn thương nhấtCOVID-19: Biến thể Delta có thể chiếm đến 90% số ca nhiễm mới ở EU

Người dân ở thủ đô Bangkok, Thái Lan đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

“Mọi người không thể cảm thấy an toàn chỉ vì họ đã được tiêm 2 mũi vaccine. Họ vẫn cần tự bảo vệ chính mình”, bà Mariangela Simao, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO về tiếp cận thuốc và các sản phẩm y tế cho biết trong một cuộc họp báo từ trụ sở của cơ quan này ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ.

Theo bà Mariangela Simao, chỉ riêng vaccine sẽ không ngăn được sự lây nhiễm trong cộng đồng. Mọi người cần tiếp tục sử dụng khẩu trang một cách nhất quán, ở trong không gian thông thoáng, vệ sinh tay... giữ khoảng cách, tránh đông người. Điều này vẫn tiếp tục đóng vai trò cực kỳ quan trọng, ngay cả khi bạn đã được tiêm vaccine giữa lúc tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng vẫn đang diễn ra.

Nhận xét của tổ chức y tế này được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia phần lớn đã loại bỏ khẩu trang và các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch, khi vaccine ngừa COVID-19 đã giúp làm giảm số ca nhiễm mới và ca tử vong.

Theo số liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp, số ca nhiễm COVID-19 mới ở Mỹ đã giữ ổn định trong tuần qua ở mức trung bình là 11.659 ca mắc mới mỗi ngày. Tuy nhiên, các ca nhiễm mới đã giảm mạnh trong vài tháng qua.

Các quan chức của WHO cho hay, họ đang yêu cầu những người được tiêm chủng đầy đủ tiếp tục giữ an toàn, bởi phần lớn thế giới vẫn chưa được tiêm chủng và các biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao, như biến thể Delta, đang lây lan ở nhiều quốc gia, gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh.

Trong một động thái liên quan cùng ngày 25/6, Tờ The Wall Street Journal đưa tin, khoảng 1/2 số người trưởng thành bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát biến thể Delta ở Israel đã được tiêm chủng đầy đủ, khiến Chính phủ quốc gia này phải tái áp dụng yêu cầu mang khẩu trang trong không gian kín nơi công cộng, cũng như những biện pháp khác.

Phát biểu tại cuộc họp báo nói trên, ông Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc WHO nhận định: “Có thể giảm bớt một số biện pháp và các quốc gia khác nhau có những khuyến nghị khác nhau về vấn đề đó. Tuy nhiên, vẫn cần sự thận trọng. Như chúng ta đang chứng kiến, có những biến thể mới xuất hiện”.

Hồi tuần trước, WHO cho biết, biến thể Delta đang trở thành biến thể chiếm ưu thế của dịch bệnh này trên toàn thế giới.

Cũng theo các quan chức của WHO, biến thể này lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ, hiện đã xuất hiện ở ít nhất 92 quốc gia, đây là chủng nhanh nhất và khoẻ nhất, và biến thể này sẽ “nhắm lấy” những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Bên cạnh đó, đã có các báo cáo cho rằng, biến thể Delta cũng gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn, nhưng cần phải có thêm nghiên cứu để xác nhận những kết luận đó. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy biến chủng Delta có thể gây ra các triệu chứng khác so với những biến thể khác.

Tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn quốc sẽ tiếp tục gia tăng do sự lây lan của biến thể Delta "nguy hiểm", đồng thời gọi đây là "mối quan ngại nghiêm trọng". Trong đó, ông Joe Biden cảnh báo rằng, những người Mỹ vẫn chưa được tiêm phòng đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh.

Thanh Ngân (Lược dịch từ CNBC)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top