Cô gái quê Bắc Giang có một kỳ đại hội ấn tượng khi giành 4 tấm HCV ở các nội dung 10.000m, 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Trong đó, 2 HCV ở nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật được Nguyễn Thị Oanh giành chỉ sau 20 phút, bất chấp những bất lợi về mặt thi đấu. Nguyễn Thị Oanh cũng trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên giành 4 HCV cá nhân môn điền kinh trong một kỳ SEA Games, qua đó trở thành người thứ hai trong lịch sử cán mốc 12 HCV điền kinh ở SEA Games của Việt Nam, sau đàn chị Nguyễn Thị Huyền.
Cùng với Nguyễn Thị Oanh, các nữ VĐV điền kinh đã tạo được điểm nhấn khi liên tiếp mang về những tấm HCV cho đoàn thể thao Việt Nam. Sau khi em trai Nguyễn Thành Ngưng giành HCB, Nguyễn Thị Thanh Phúc đã xuất sắc đánh bại đối thủ Indonesia, đoạt HCV đi bộ 20km nữ. Đây là tấm HCV đầu tiên của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32. Bước sang tuổi 33, Thanh Phúc vẫn thể hiện ý chí và nghị lực phi thường. Cô đã tham dự 6 kỳ SEA Games và 5 lần giành HCV (2011, 2013, 2015, 2022, 2023).
Từng giành HCV tại giải điền kinh mở rộng cách đây chỉ 2 tháng tại Philippines, Huỳnh Thị Mỹ Tiên thể hiện phong độ cao, bứt tốc cán đích đầu tiên ở nội dung 100m vượt rào nữ trong lượt chạy vòng chung kết, với thành tích 13 giây 50 để giành HCV. Đây là tấm HCV đầu tiên của Tiên sau 3 kỳ dự SEA Games. Ở nội dung này, VĐV Bùi Thị Nguyên giành HCB với thành tích 13 giây 52 (cô là người đạt HCV ở SEA Games 31).
|
|
Điền kinh Việt Nam mất ngôi vị số 1 tại SEA Games 32 |
VĐV Nguyễn Thị Huyền giành được tấm HCV 400m rào với thành tích 56 giây 29. Đây là tấm huy chương thứ 3 của Nguyễn Thị Hiền tại SEA Games 32, đồng thời là thứ 13 ở các kỳ SEA Games. Thành tích này cũng giúp Nguyễn Thị Huyền chính thức trở thành vận động viên điền kinh sở hữu nhiều HCV nhất lịch sử các kì SEA Games.
Cô gái 21 tuổi đến từ Nam Định là Nguyễn Thị Thu Hà đã bất ngờ mang về tấm HCV trên đường chạy 800m với thành tích 2 phút 08 giây 55. Đây là lần đầu tiên Thu Hà tham dự SEA Games. Từ một cô gái vô danh, Thu Hà đã bảo vệ được tấm HCV cho điền kinh Việt Nam ở nội dung 800m khốc liệt.
VĐV Nguyễn Linh Na đã xuất sắc bảo vệ thành công HCV 7 môn phối hợp, bao gồm: chạy 100m vượt rào, nhảy cao, đẩy tạ, chạy 200m, nhảy xa, ném lao và chạy 800m. Bảy nội dung diễn ra trong 2 ngày. Chiều 11/5, Nguyễn Linh Na bước vào nội dung cuối cùng là chạy 800m với cách biệt chỉ 20 điểm so với người đứng thứ hai. Dù vậy, Nguyễn Linh Na đã xuất sắc vượt qua các đối thủ với tổng điểm 5.403 để giành HCV, bảo vệ thành công chức vô địch cô giành được ở SEA Games 31.
Bộ tứ Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Thị Huyền là những người đã tham gia chung kết tiếp sức 4x400m nữ trong ngày cuối trên sân vận động Morodok Techo của SEA Games 32 và họ đã có chiến thắng để giành tấm HCV thứ 12 cho đội điền kinh Việt Nam. Với đội hình đồng đều nhất, các cô gái đã có nước rút thần tốc để về nhất bằng thành tích tổng 3’33”050, qua đó vượt các đối thủ Philippines và Thái Lan để giành HCV. Ban huấn luyện đã bố trí đội hình hợp lý và trong hai lượt tiếp sức cuối thì lần lượt Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Thị Huyền đã chốt chặn mạnh mẽ để vượt các chân chạy đối phương một quãng xa để độc tôn vị trí số 1.
Ở nội dung chung kết 3.000m vượt chướng ngại vật nam, chứng kiến màn trở lại đấu trường SEA Games của VĐV Nguyễn Trung Cường (SN 2000, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh) sau quãng thời gian lận đận vì chấn thương đầu gối và cổ chân. Anh đã vượt qua nhà đương kim vô địch Lê Tiến Long (SN 2001, quê xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà) để giành tấm HCV tại nội dung này.
Đội tuyển điền kinh Việt Nam tham dự cự ly 4x400m hỗn hợp nam nữ có 4 VĐV, bao gồm: Trần Nhật Hoàng, Nguyễn Thị Hằng, Trần Đình Sơn, Nguyễn Thị Huyền đã đánh bại Thái Lan để giành tấm HCV quý giá. Tiếp sức hỗn hợp 4x400m nam nữ lần đầu được đưa vào thi đấu ở SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines. Khi đó đội tuyển Việt Nam đã giành HCV vô cùng ấn tượng. Tuy nhiên, tại SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam, người Thái đã giật mất HCV của Việt Nam. Sau 4 năm, tiếp sức 4x400m hỗn hợp của Việt Nam mới lại giành được HCV ở nội dung này.
Chiến tích của Nguyễn Thị Oanh đã không thể xua tan nỗi buồn khi mục tiêu giành từ 14 đến 16 HCV và thống trị ngôi vị số 1. Đội tuyển điền kinh Việt Nam chỉ giành được 12 HCV trên tổng số 47 nội dung của SEA Games 32. Trong khi đó, đội tuyển điền kinh Thái Lan giành được đến 16 HCV và đã chiếm lại ngôi đầu của Việt Nam. Trước đó, tại SEA Games 31 trên sân nhà, điền kinh Việt Nam đã tạo nên kỳ tích khi giành đến 22 HCV, bỏ xa đoàn đứng thứ hai là Thái Lan (12 HCV). Tại SEA Games 30 năm 2019 ở Philippines, điền kinh Việt Nam cũng thống lĩnh vị trí số 1 Đông Nam Á khi giành đến 16 HCV, xếp trên Thái Lan (12 HCV).