ClockThứ Năm, 02/04/2015 10:01

Thị trường mỹ thuật Huế chìm lắng, vì đâu ?

TTH - Tác giả cứ đơn độc “bơi”. Công chúng thì thờ ơ với các hoạt động mỹ thuật và các nhà sưu tập thì luôn vắng trên thị trường mỹ thuật ở Huế.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “xuống dốc” của thị trường mỹ thuật Việt Nam, trong đó có thị trường mỹ thuật ở Huế, ngoài những lý do chung như vấn nạn tranh chép, tranh nhái.

Không chịu làm mới
Nhìn toàn cục, mỹ thuật Huế đã có những “đỉnh cao” nghệ thuật được ghi nhận bằng các giải thưởng mỹ thuật như giải thưởng khu vực Bắc miền Trung hàng năm và giải thưởng Cố đô và toàn quốc năm năm một lần. Nhưng nếu xét nét hơn, có vẻ như số đông các họa sĩ Huế vẫn thiếu sự “đột phá” trong sáng tác để đủ sức thu hút giới sưu tập và các nhà đầu tư mỹ thuật đến Huế. 
Họa sĩ Trương Thành An tại xưởng sơn mài (TP Huế)
Không ít các họa sĩ ở Huế dường như chỉ mãi đi trên một con đường nghệ thuật quen thuộc mà không muốn rẽ lối để làm mới mình. Có khá nhiều tác giả trẻ sớm bộc lộ sự “cạn kiệt” sức sáng tạo, sáng tác của họ thường quẩn quanh với những motip hay đề tài quen thuộc. Một vài tác giả còn “sản xuất” tranh của mình bằng cách mở xưởng thuê người thực hiện một số công đoạn (sơn mài) rồi ký tên. Điều đó khiến cho khách sưu tầm cảm thấy không mua được tranh “thật” và càng không phải là tác phẩm nghệ thuật “duy nhất”.
 
Nếu nhìn dưới góc độ thị trường thì không ít họa sĩ ở Huế dường như chưa thấy được vai trò quan trọng của truyền thông trong chuỗi hoạt động sáng tác – triển lãm – bán tranh. Có không ít họa sĩ sáng tác rất nhiều “tranh cho mình” rồi “chất đống” trong nhà, không có điều kiện tổ chức triển lãm cá nhân, và cũng không muốn (hay không thể) gửi tranh cho các gallery hay đưa lên website. Rất hiếm tác giả có website riêng, thực tế có những tác giả còn không thể nhớ được mình đã bán tranh gì, bán cho ai, hay tìm hiểu xem những người mua tranh của mình vì lý do gì. Dường như các họa sĩ Huế chưa thực sự đầu tư cho triển lãm của mình đúng mức cần thiết. Có vẻ như triển lãm chỉ là để trình làng tác phẩm của mình là chính, việc làm thế nào để bán được tranh không quan trọng (dù ai cũng muốn). Điều đó dễ thấy qua việc tổ chức triển lãm thiếu chuyên nghiệp, cattalogue không có hoặc có thì in ấn rất sơ sài, thiếu sự gắn kết với truyền thông, hoạt động quảng bá mờ nhạt, khách mời đến dự khai mạc triển lãm phần lớn là những người... trong hội mỹ thuật đến chia vui, chúc mừng. Vì vậy, hầu hết các triển lãm mỹ thuật ở Huế chỉ tưng bừng ngày khai mạc rồi sau đó là sự vắng vẻ kéo dài cho đến ngày bế mạc.
Vai trò phê bình mờ nhạt
Đó là sự đơn điệu của công tác truyền thông đối với các hoạt động mỹ thuật ở Huế. Nhiều bài viết về mỹ thuật Huế mang tính chất đưa tin báo chí nhiều hơn là phê bình và lý luận mỹ thuật đã không thể đưa mỹ thuật Huế vươn xa khỏi địa bàn của một tỉnh lẻ. Cùng với đó là sự thiếu vắng một số “thành tố” quan trọng khác trong “guồng máy vận hành” của mỹ thuật Huế như các nhà giám tuyển mỹ thuật (curator), giám đốc các bảo tàng và gallery chuyên nghiệp, các nhà tư vấn mỹ thuật hay các nhà đầu tư mỹ thuật có uy tín đã làm cho “chuỗi hoạt động” của thị trường mỹ thuật ở Huế bị nhiều “đứt gãy”.
Nguyên nhân thứ ba là sự thiếu chuyên nghiệp trong các hoạt động kinh doanh mỹ thuật ở Huế. Các gallery nghệ thuật và phòng tranh thị trường bị nhập nhèm về tên gọi, không gian trưng bày phần nhiều chật chội, “thượng vàng hạ cám”; mục tiêu đầu tư không rõ ràng làm cho bộ mặt bên ngoài của thị trường mỹ thuật trở nên manh mún, lem nhem.
Có quá nhiều người quản lý, điều hành gallery chưa được trang bị những kiến thức căn bản về mỹ thuật dẫn đến việc sưu tập, tuyển chọn tác phẩm mỹ thuật để kinh doanh còn rất tùy tiện, thiếu kinh nghiệm. Chưa nói đến các kỹ năng kinh doanh mỹ thuật cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp và yêu cầu về chuyên môn cao, liên quan đến nhiều vấn đề khác như tổ chức các hoạt động triển lãm, đầu tư các tác giả có tiềm năng, xây dựng hồ sơ tác phẩm, tác giả, lập website, kết nối truyền thông, thiết lập các mối quan hệ trong thị trường mỹ thuật...
Điều này thì ngay chính các họa sĩ đứng ra mở các gallery cũng còn nhiều lổ hổng. Bên cạnh đó là mối “liên kết hoạt động” giữa các tổ chức, cơ quan, ban ngành liên quan đến văn hóa – du lịch ở Huế còn quá “lỏng lẻo” theo kiểu “việc ai nấy biết” khiến cho thị trường mỹ thuật ở Huế khó phát triển bền vững.
Thiếu các thiết chế mỹ thuật 
Dù đã có khá nhiều không gian văn hóa nhưng Huế vẫn thiếu các thiết chế mỹ thuật rất cơ bản như bảo tàng mỹ thuật hiện đại, đương đại, nhà triển lãm mỹ thuật đúng nghĩa, các gallery chuyên nghiệp… Điều này làm cho các hoạt động triển lãm mỹ thuật ở Huế khó tránh khỏi nghiệp dư, tạm bợ và khó có thể hình thành một “môi trường mỹ thuật” đủ sức thu hút công chúng trong và ngoài nước thường xuyên đến Huế thưởng lãm nghệ thuật hay sưu tập, trao đổi, mua bán các tác phẩm mỹ thuật.
 
Bình Trần-Xuân Huy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top