ClockThứ Sáu, 22/10/2021 14:24

Thích ứng an toàn, phục hồi sản xuất

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 20/10 vừa qua, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6-6,5%. Để đạt mục tiêu này rất nhiều vấn đề đặt ra, trong đó thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 là một trong những yêu cầu tiên quyết, tạo điều kiện khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Năm 2021, với đợt dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, kéo dài từ tháng 4 đến nay khiến hoạt động kinh tế - xã hội của nước ta bị ngưng trệ. Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, tăng trưởng kinh tế (GDP) 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42% (kế hoạch 6%). Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất hiện đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là vốn vay ODA và vay ưu đãi; khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách; lao động việc làm bị ảnh hưởng nặng nề…

Thừa Thiên Huế tuy chịu tác động dịch bệnh ít hơn và phát triển thuận lợi hơn so với các vùng tâm dịch, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt chỉ 5,12%. Trong đó, một số ngành chịu tác động nặng nề như du lịch, dịch vụ, vận tải...

Điều thấy rõ nhất, việc lưu thông bằng cả đường sắt, đường bộ, đường hàng không giữa các  địa phương bị hạn chế, tạm ngừng hoạt động; nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng hoặc rơi vào tình trạng “ngủ đông”, không ít doanh nghiệp rút ra khỏi thị trường; lao động thất nghiệp rời thành phố về quê từng đoàn; sản phẩm nông lâm, thủy, hải sản ùn ứ, không tiêu thụ được, giá chạm đáy khiến người nông dân lao đao… Điển hình là giá thị lợn thấp kỷ lục, bán dưới cả giá thành khiến người chăn nuôi càng nuôi càng lỗ.

Với “cú sốc” lớn như vậy, để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn “rập rình” bên nách là điều không hề đơn giản. Cùng với việc khống chế dịch bệnh hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tăng độ bao phủ vắc-xin, Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Nghị quyết đã tạo ra bước ngoặt mới trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch. Chính sách chống dịch được quy về một mối, thực hiện thống nhất trong toàn quốc, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, thúc đẩy khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở để  thực hiện thắng lợi mục tiêu kép đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm 2022, bước “tạo đà” trong phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội từ nay đến cuối năm là rất quan trọng. Theo đó, từ các bộ, ngành Trung ương đến từng địa phương cần thống nhất nhận thức, chủ trương và tuân thủ cao các quy định theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Bên cạnh các giải pháp điều hành, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, rất cần tính chủ động, linh hoạt của từng địa phương, từng ngành, từng doanh nghiệp xây dựng kịch bản phát triển cụ thể, sát với tình hình thực tế và diễn biến dịch bệnh. Càng chi tiết, càng linh hoạt thì việc ứng phó và thích ứng với dịch bệnh càng chủ động, giảm thiểu các tác động tiêu cực trong quá trình phát triển. Trước mắt, cần có giải pháp an sinh để giữ lao động tại chỗ và thu hút lao động quay trở lại nhà máy, cũng như tuyển dụng lao động mới. Giải được bài toán thiếu hụt lao động sẽ góp phần gỡ “nút thắt” trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ở các đầu tàu kinh tế, tạo đà phát triển năm 2022. Đây không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp, mà cần có sự chung tay, chung sức của chính quyền các cấp, cùng sự đồng hành của các tổ chức chính trị - xã hội.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng trong mọi tình huống

Cùng với phường Phú Nhuận, hiện nhiều địa phương trên địa bàn TP. Huế đã thành lập các tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và "Điểm chữa cháy công cộng", phát huy tác dụng trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) như Đông Ba, Phú Hội, Phú Thượng, Vĩnh Ninh...

Sẵn sàng trong mọi tình huống
Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Châu Phi cần 277 tỷ USD/năm để thích ứng với khí hậu

Tham dự một hội nghị cấp cao về tài chính khí hậu, Chủ tịch nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina vừa lên tiếng kêu gọi hành động khẩn cấp khi biến đổi khí hậu tiếp tục tàn phá nhiều quốc gia châu Phi.

Châu Phi cần 277 tỷ USD năm để thích ứng với khí hậu

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top