ClockThứ Ba, 12/08/2014 03:13

Thiếu giải pháp đột phá - kỳ I: Cho thuê vỉa hè: Chủ trương hay nhưng cách làm chưa hiệu quả

TTH - Lâu nay, các cơ quan hữu quan bàn nhiều đến giải pháp, song, như nhận định của những người làm công tác chuyên môn, cơ bản là thiếu giải pháp đột phá và có tính chiến lược nên khi nhắc đến vấn đề quản lý đô thị, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh: "hốt-đuổi-bắt và xử lý".

Phường Phú Hội được đề xuất chọn triển khai thí điểm cho thuê vỉa hè nhằm từng bước quản lý, ổn định những người bán hàng ăn quán nhậu đi vào nề nếp. Thế nhưng, chủ trương đó khi đi vào thực tế đã phát sinh không ít vấn đề, mà chung quy vẫn là do cách quản lý chưa tới nơi tới chốn, nên tuyến đường trọng điểm Lê Quý Đôn phải dừng cho thuê.

Triển khai không hiệu quả

Trong 4 tuyến đường được Phú Hội chọn triển khai thí điểm cho thuê vỉa hè, thì đường Lê Quý Đôn là trọng tâm nhất, bởi nó đi qua trung tâm TP Huế, nối với các trục đường lớn và có khá nhiều hộ kinh doanh mua bán. Song, đây cũng là tuyến đường đầu tiên và phải vất vả lắm phường mới chấm dứt được hợp đồng cho thuê với các hộ kinh doanh. Lý do là người dân kinh doanh không đúng mặt hàng quy định, nhất là việc bán bia rượu cộng với các món nướng cay. Cao điểm là vào mùa mưa năm ngoái, khi mặt hàng nướng cay “lên ngôi”, chỉ một đoạn ngắn bên lưng Sân vận động Tự Do và Trung tâm Thể thao dưới nước có không dưới 10 hàng quán kinh doanh, với lượng thực khách rất đông người, phương tiện. Tửu nhập, ngôn “xuất”, dẫn đến ẩu đả, đánh nhau, văng tục, chửi bậy. Chủ quán này tranh giành khách với quán kia khiến chai lọ văng ra đường, bàn ghế bể gãy. Song, hình ảnh phản cảm nhất vẫn là việc đi vệ sinh không đúng nơi quy định của thực khách là nguyên nhân đầu tiên buộc đơn vị quản lý chấm dứt việc cho thuê.
Đường Phan Đình Phùng đoạn qua chợ Bến Ngự khi không có lực lượng quản lý đô thị.
Phản ứng của người kinh doanh là có, thậm chí có người phản ứng thái quá và chống đối quyết liệt. Bằng chứng là hiện có người vẫn đeo bám và bán đến cùng, thách thức cơ quan chức năng. Khoan bàn đến sự liều lĩnh của người dân, chỉ nêu một khía cạnh nhỏ thôi cũng đủ thấy công tác quản lý của chúng ta chưa hiệu quả. Vì không quản lý được nên phải cấm. Mà điều này theo như những nhà quản lý có chuyên môn, kinh nghiệm là không nên, bởi giải quyết mọi vấn đề nếu không thấu tình đạt lý sẽ phản tác dụng.
Không thuê vẫn bán
Tầm từ 3 giờ chiều trở đi, ngay trước cổng Sân vận động Tự Do, vẫn có hộ kinh doanh hàng ăn uống, chủ yếu là bún, bánh ép và một số món ăn vặt phục vụ các em học sinh đi bơi tại Trung tâm Thể thao dưới nước. Sau 7 giờ tối, dù không nhộn nhịp các quán nướng cay như trước, nhưng cũng ở đoạn đường này có từ 2-3 quán nướng cay vẫn hoạt động.
Lãnh đạo phường Phú Hội cho biết, từ trước Festival Huế 2014, địa phương đã kiến nghị với lãnh đạo TP Huế xin chủ trương chấm dứt việc cho thuê vỉa hè. Để triển khai, phường đã nhiều lần lập biên bản, mời người vi phạm lên xử lý. Chủ tịch UBND phường Phú Hội Nguyễn Mạnh Cường cho hay, có lúc anh phải... xuống nước năn nỉ người vi phạm. Thế nhưng, vẫn có một số người cố tình chây ì.

Khi thấy xe cán bộ đô thị, người dân vội vã dọn hàng, đưa xe đi nơi khác

 
Đối với một số tuyến đường, như Trần Quang Khải, Nguyễn Thái Học và rất nhiều tuyến đường khác nữa, nhất là ở khu vực gần các chợ tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi giữ xe, buôn bán không còn là chuyện lạ. Điều này, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. Có rất nhiều gia đình nhờ gánh rau, nồi bún ở vỉa hè mà có miếng cơm, manh áo. Nhiều em học hành đỗ đạt cũng nhờ đó. Vì thế, mà khi bị bắt, xử lý, có người thậm chí là lăn xả vào lực lượng làm nhiệm vụ để dành giựt, van xin, ở đây chúng ta không nói đến những đối tượng quá khích, thì về khía cạnh khác, người ta có thể thông cảm cho người vi phạm, bởi đó là nồi cơm, là bát gạo của họ.
Chủ trương cho thuê vỉa hè, dù chưa được HĐND tỉnh thông qua, song, khi TP Huế đã đồng ý cho triển khai thí điểm tức là đã có bàn bạc, cân nhắc và thậm chí là thống nhất. Vấn đề ở chỗ là cách làm, cách quản lý. Với một số tuyến đường có vỉa hè rộng, cho thuê để ngân sách có thêm nguồn thu, vừa dễ quản lý và hơn cả là để đảm bảo mỹ quan đô thị, tạo sự văn minh trong kinh doanh, mua bán là việc nên làm. Nếu làm tốt thì lo gì tỉnh không đồng ý. Vậy tại sao phường Phú Hội thực hiện không thành công? Phải chăng, cơ sở pháp lý, chế tài để xử phạt chưa đủ mạnh, hay tại người thực thi chưa thực sự nghiêm minh, còn du di, cả nể? Câu hỏi này, chúng tôi đã hỏi người có trách nhiệm và được trả lời là: Cả hai! Và nếu như thế thì “cuộc chiến” giữa người thực thi đảm bảo trật tự đô thị và người kinh doanh vỉa hè sẽ khó có hồi kết.
(còn nữa)
Kỳ II: Điệp khúc “hốt - xử”
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top