ClockThứ Sáu, 29/04/2016 09:52

Thương

TTH - Đang chạy lon ton trong khuôn viên nhà khách, cu Bin được mẹ gọi tới và thực hiện đúng phép tắc chào hỏi. Đúng là trẻ con đang tuổi lớn, lại được chăm sóc chu đáo nên cu cậu trông khác hẳn so với lần về tết nhà ngoại. Gặp dì nhỏ, cu cậu cũng xăng xít lắm, cứ nắm tay hỏi dì thích ăn gì, có muốn đi chơi chỗ nào không và còn lẵng nhẵng bám đuôi theo lên phòng và lúc lên xe thì nhất mực đòi ngồi giữa, chỉ vì muốn được gần dì nhỏ.

Cũng Bin đã làm cho câu chuyện trong xe lúc di chuyển xung quanh thành phố trở nên mặn mà hơn. Mà có gì đâu chứ, chỉ là những câu hỏi và cả những chỉ dẫn dễ thương của một cậu nhóc lên 6, chuyện học ở trường, món nào đó mà cậu được hay thích được ăn, cả những “tường thuật” về những chuyến đi chơi cùng gia đình ở nơi này, chốn kia, cả về chị hai đang học lớp 5 của cậu. Giọng Sài Gòn nghe dễ thương gì đâu... Tôi, nói thật là ít khi gần với cháu gái, phần vì mẹ của Bin học đại học rồi lập nghiệp luôn ở TP. Hồ Chí Minh, công việc cũng lu bu ít khi về nhà. Mỗi lần về dì cháu cũng ít có dịp ngồi lâu với nhau vì bận bịu, thăm nom đủ thứ, chưa kể chuyện lo ăn, lo ngủ cho hai đứa trẻ cũng đã choán gần hết thời gian của cháu gái. Đến khi lũ nhỏ lớn hơn được một chút thì tôi lại thường bị công việc cuốn đi, nên có khi gần vậy mà dì cháu chỉ thăm hỏi nhau được vài câu...

Lần này vào, cháu gái đang chờ công việc với nên có phần thư thả hơn. Tôi thì tranh thủ quãng nghỉ tối và có thêm một ngày cuối tuần nữa nên dì cháu có dịp líu ríu đi chỗ này, chỗ kia. Chuyện, tất nhiên vẫn là những mối quan tâm chung về gia đình, những người thân, việc ăn, việc học của con cái... cũng từ đó mà dì cháu hiểu và san sẻ thêm áp lực của nhau. Trên xe, cháu gái nói về mong ước làm thế nào cho con cái được học tốt và giúp chúng tạo lập khả năng, sự tự tin và các kỹ năng cần thiết để có thể tìm kiếm cơ hội đi du học. Cháu gái nói, sẽ cố để nếu không tìm được học bổng thì cũng có nguồn để cho con được ra nước ngoài ít nhất 02 năm để rèn luyện thêm... “ Nếu đi hai năm vậy thì con sẽ nhớ mẹ lắm!” Cả xe thốt nhiên im bặt đi còn cháu gái tôi thì quay xuống nhìn con, mắt rơm rớm! Thì ra là cu cậu đã lắng nghe câu chuyện của người lớn từ lúc nào. Thì ra là người lớn chỉ nói về mối quan tâm của người lớn mà chẳng để ý gì đến lũ trẻ cả...

Tối nghỉ lại trước khi về nhà, cu Bin cứ hỏi đi hỏi lại hoài sao bà trẻ và dì nhỏ không về nhà con ở, phòng con có cái giường to lắm mà? Rồi một lần nữa cu cậu lại đòi theo dì nhỏ lên phòng và quay lại nói với mẹ: “Con lên xem, nếu phòng không đàng hoàng thì bà trẻ và dì nhỏ phải về nhà mình ngủ!”

Nhìn cu cậu khuất vào thang máy khi được dì nhỏ dẫn xuống lại sảnh, tôi thấy thương chi mà thương cậu nhóc nhà mình.

Nguyễn An Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương

Ông bà cưới nhau đã hơn 60 năm, nắm tay nhau đi qua một kiếp người đằng đẵng, cùng nhau khai phá vùng đất mới, trồng khoai, sắn, cây ăn quả, nuôi heo...

Thương
Thương chợ ngày mưa

Cái ấm áp ấy là ánh mắt của những mệ, những chị đang ngồi co ro với mớ rau, rổ cá, rổ tôm đã mừng sáng rỡ lên...

Thương chợ ngày mưa
Nâng chất cho tài nguyên lao động

Đó là cách mà ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh về lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề.

Nâng chất cho tài nguyên lao động
“Dẫn đường” cho nông dân

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, ngay cả khi chưa bị tác động vì đại dịch, sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn thường rơi vào việc phải giải cứu.

“Dẫn đường” cho nông dân
Return to top