ClockThứ Hai, 21/10/2019 12:08

Thương con đúng cách

TTH - Trên thế giới, có những tỉ phú dành phần lớn tài sản để làm từ thiện, trong khi chỉ để cho con một phần nhỏ số tài sản họ có được, dù phần nhỏ ấy đủ để con sống sung sướng. Họ giải thích việc làm này là muốn con tự lực khẳng định mình, không muốn chúng dựa dẫm bố mẹ rồi lười biếng, hư hỏng. Thương con như thế quả là đáng trân trọng, càng suy ngẫm càng thấy họ có lý và quả thật rất phi thường.

Ở ta có những bậc cha mẹ đã làm mọi việc, kể cả phạm pháp nhằm đem lại “những điều tốt đẹp” cho con; việc chạy chọt để nâng điểm cho nhiều thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH và xét tuyển đại học năm 2018 là một điển hình. Những sinh viên điểm thi yếu kém nhưng được phù phép thành thủ khoa, á khoa chắc khó đào tạo thành hiền tài, càng khó trở thành những công dân trung thực. Nếu sự vụ không được phát hiện, các em lớn lên trong sự dựa dẫm bố mẹ và sự gian dối do bậc sinh thành tạo ra, từ đó sinh ra nhiều hệ lụy cho xã hội và cho chính các em. Hiện đã có những sinh viên liên quan sai phạm bị đuổi học, điều này gây tác hại nhiều mặt với các em. Những người thương con đến bất chấp cả tội lỗi như thế, khác nào hại con.

Lòng thương con của không ít bậc cha mẹ còn thể hiện ở sự chiều con, nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế. Nhu cầu về ăn mặc, phương tiện, vui chơi… của con được không ít ông bố bà mẹ sẵn sàng đáp ứng. Được chiều chuộng thái quá lắm khi là nguyên nhân dẫn đến hư hỏng của không ít bạn trẻ.

Tôi có quen một cán bộ cao cấp; nhà khá giả nên ông chiều đứa con trai duy nhất hết mực. Ngay từ thời học sinh, đứa con đã quen các kiểu cách, nơi chốn ăn chơi hơn là trường lớp, sách vở; có ngày nó xài nhiều triệu đồng là thường. Việc cậu tốt nghiệp trung học phổ thông rồi đại học chủ yếu nhờ sự “tiếp sức” của bậc sinh thành; học xong cậu về làm ở đơn vị do cha đứng đầu. Dù đã là cán bộ nhưng được cha mẹ bao cấp tiền bạc thỏai mái, cậu càng trượt dài vào hư hỏng. Đã thế, có những thuộc cấp của người cha lấy lòng thủ trưởng bằng cách cho đứa con nhiều tiền nên nó càng có điều kiện ăn chơi. Ông rất khổ tâm và xấu hổ bởi không thể giáo dục được một cán bộ cấp dưới là đứa con ruột của mình. Khi con trai lâm vào tệ nạn xã hội, không dứt ra được, ông buộc phải ký quyết định kỷ luật đuổi nó ra khỏi ngành.

Ông bảo rằng, đó là chữ ký đau đớn nhất cuộc đời ông nhưng nó lại đúc kết những sai lầm của vợ chồng ông trong cách nuôi dạy con.

Nguyễn Trọng Hoạt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top