ClockThứ Hai, 31/10/2016 09:51

“Thượng vàng hạ cám” việc làm trưởng thôn

TTH - Tôi đã không tin họ tư lợi, ngay khi nhiều tờ báo đặt những hàng tít hấp dẫn. Một số trang mạng xã hội còn dẫn lại, bình luận như: “Hết đường”, “Bó tay”... một cách mỉa mai sâu cay. Sự thật trần trụi thế, ắt phải có nội tình.

Về cơ sở mới thấy hết sự vất vả của các trưởng thôn. Với mức phụ cấp chỉ trên dưới 1 triệu đồng/tháng nhưng họ phải ôm bao việc. Từ việc chính quyền đến việc làng, việc xóm, việc gì cũng phải có trưởng thôn. Những khi làng xóm xảy ra thiên tai bão lụt, các trưởng thôn lại càng vất vả hơn trong phối hợp phòng tránh, di dời dân, thống kê thiệt hại, tổ chức cứu đói, cứu rét, phân phối hàng cứu trợ, khôi phục sản xuất... mặc dầu nhà họ cũng bị thiệt hại. Một vấn đề tế nhị nhưng là áp lực lớn đối với các trưởng thôn hiện nay là chuyện hiếu hỉ. Không nhà nào là không mời trưởng thôn. Có vị tâm sự: Không đến thì không được, vì mình là trưởng thôn, nể trọng bà con mới mời; mà đến thì phải có phong bì, nhiều quá đôi khi cũng “méo mặt”...

Chuyện thu lại tiền cứu trợ của những người dân đã nhận từ tay đoàn cứu trợ để chia lại cho các hộ xảy ra tại một số thôn ở các xã Quảng Hải, Quảng Trung, TX Ba Đồn (Quảng Bình) vừa qua được cho là sai lầm của trưởng thôn, vì sự cào bằng. Song, vẫn được đa số người dân sở tại đồng tình, ủng hộ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi suất quà cứu trợ thì có hạn, trong lúc số hộ không được trực tiếp nhận là rất đông. “Lụt thì lút cả làng”. Lập luận đó khiến nhiều cán bộ thôn lúng túng trong phân phối tiền cứu trợ, vì quanh họ toàn những bà con làng xóm. Tuy vậy cũng không thể phủ nhận công tâm của họ, bởi việc đến từng hộ vận động để thu lại về tính toán rồi phân phối đều cho các hộ trong thôn là một việc làm khá nhọc công. Song họ vẫn làm, bởi áp lực từ sự công bằng, tránh bị mang tiếng là thiên vị như đã từng xảy ra ở một số nơi.

Tuy nhiên, đây là việc làm hết sức cơ học, bởi sau mỗi trận thiên tai, không phải hộ nào cũng bị thiệt hại, khó khăn như nhau. Điều này đòi hỏi có  sự cảm thông, tự nguyện, tự giác của chính người dân trong thôn và sự điều hành hợp lý của trưởng thôn. Một thực tế là bên cạnh sự nhiệt tình thì trình độ, năng lực quản lý của cán bộ thôn hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế; nên trong một số trường hợp cần phải có sự chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ của các ban ngành đoàn thể cấp trên. Ngoài ra, cần tăng cường mở các lớp tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho cán bộ thôn, để họ thực sự là cầu nối hiệu quả giữa người dân và chính quyền các cấp, hạn chế những sai lầm đáng tiếc như đã từng xảy ra.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top