ClockThứ Năm, 15/09/2016 05:56

Thủy điện Thượng Lộ làm khó dân

TTH - Từ khi tích nước cao trình phát điện đến nay, thủy điện Thượng Lộ (huyện Nam Đông), gây ngập, cô lập hàng chục ha đất sản xuất của nhiều hộ dân.

Không sản xuất được

Công trình thủy điện Thượng Lộ do Công ty CP Thủy điện Thượng Lộ làm chủ đầu tư, nằm trên địa bàn hai xã Thượng Lộ và Hương Lộc. Người dân phản ánh, từ khi thủy điện tích nước (tháng 9/2015), nhiều diện tích đất lâm nghiệp tại khu vực khe Tổ Chim và khe Cha Moong (xã Thượng Lộ), của hàng chục hộ dân bị ngập hoặc “cô lập” trong lòng hồ thủy điện. Số diện tích cao su, rừng keo tràm trồng ở những khu vực này đã nhiều năm, đến tuổi khai thác  cũng không thu hoạch được.

Diện tích đất rừng sản xuất của người dân Thượng Lộ bị “kẹt” giữa lòng hồ thủy điện

Ông Hồ Văn Đua (thôn Cha Moong) cho biết: “Gia đình tui có tổng diện tích 3 ha ở khu vực khe Tổ Chim. Diện tích này trước đây thủy điện nói là không ngập, không phải đền bù mặc dù gia đình có sổ đỏ. Từ khi thủy điện tích nước đến nay, hơn 1 ha cao su bị ngập 1/2 cây trong nước và 2 ha cao su, keo tràm còn lại bị cô lập hoàn toàn”. Theo ông Đua, số diện tích cao su ông trồng ở khe Tổ Chim từ năm 2006, đã cho mủ 2-3 vụ trước. Số diện tích keo, tràm cũng đã đến tuổi khai thác. Tuy nhiên, hiện nay đường vào khe Tổ Chim, Cha Moong bị nước ngập từ 10-15m, cách bờ chừng 150m, người dân không thể vào được.  “Hơn 1 năm không vào khe Tổ Chim. Giờ giá cao su “nhích” lên 14-15 nghìn đồng/kg mủ tươi mà không khai thác bán được thì thiệt hại”, ông Đua nói.

Để vào được khu vực sản xuất, người dân phải dùng bè gỗ, tre để qua sông. Hoạt động vùng sông nước chưa quen nên rất nguy hiểm. “Chỉ có thanh niên mới dám bới cơm, gạo vượt sông vào trong đó ở lại từ 5-7 ngày để chăm sóc, bón phân cho cây. Còn người lớn tuổi thì đành chịu. Chỉ ngồi chờ cây ngập nước chết thôi”, ông Trần Văn Thu (thôn Cha Moong) lo lắng.

Ông Lê Văn Lương, cán bộ địa chính xã Thương Lộ cho biết: “Hiện nay vẫn chưa có con số chính xác số diện tích đất sản xuất bị ngập, cô lập của bà con ở khu vực khe Tổ Chim và Cha Moong, do công tác kiểm kê, đo đếm đang được Trung tâm Phát triển quỹ đất tiến hành. Tuy nhiên, theo thống kê của xã thì có 14 hộ dân nằm trong diện bổ sung bị ảnh hưởng đất sản xuất, với hàng chục ha khi thủy điện tích nước. Số diện tích đất này chủ yếu trồng cao su, một phần trồng keo, đã đến tuổi khai thác. Hiện người dân không sản xuất được nên rất khó khăn”.

Cần hỗ trợ người dân

Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Lộ cho biết: “Trước tình trạng người dân không vào nơi sản xuất được, trước mắt địa phương đã làm văn bản gửi công ty đề nghị hỗ trợ dây cáp và hỗ trợ bè bằng gỗ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại sản xuất”.

Ông Hồ Tăng Phúc, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nam Đông cho hay: “UBND huyện Nam Đông giao trung tâm, Phòng TN&MT huyện làm việc, đôn đốc Công ty thủy điện Thượng Lộ hoàn thiện hồ sơ để triển khai công tác kiểm kê đền bù đất và tài sản gắn liền trên đất cho các gia đình bị ngập khi tích nước hồ chứa. Hiện công ty đang phối hợp với đơn vị đo vẽ bản đồ địa chính và UBND xã Thượng Lộ kiểm tra hiện trường trên cơ sở phản ánh của người dân để đo đạc, kiểm kê diện tích đất bị ảnh hưởng. Sau khi hoàn thành, sẽ tổ chức thực hiện công tác đền bù bổ sung”.

UBND huyện Nam Đông cũng đã có buổi làm việc xử lý vướng mắc. Ông Trần Kim Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông đề nghị, Công ty thủy điện Thượng Lộ thuê đơn vị tư vấn cùng các ngành liên quan của huyện và UBND xã Thượng Lộ tiến hành đo vẽ, hoàn thành hồ sơ thủ tục đền bù. Đồng thời, UBND huyện Nam Đông đề nghị công ty chuyển số tiền 1,3 tỷ đồng đã cam kết hỗ trợ, để UBND huyện bố trí nguồn vốn xây dựng công trình phục vụ sản xuất cho người dân xã Thượng Lộ và trước mắt hỗ trợ dây cáp, bè để người dân khu vực khe Tổ Chim, Cha Moong thuận tiện đi lại sản xuất ở vùng bị cô lập. 

Công trình thuỷ điện Thượng Lộ thuộc lưu vực sông Ba Ran, trên địa bàn xã Thượng Lộ và xã Hương Lộc (huyện Nam Đông), với tổng mức đầu tư trên 163 tỷ đồng, được xây dựng theo hình thức thuỷ điện sau đập, đập tràn tự do, cột nước thấp chủ yếu được tạo bởi đập dâng. Công suất thuỷ điện là 5,2 MW. Điện lượng trung bình hàng năm khoảng 21,41 triệu KWH.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Return to top