ClockThứ Sáu, 13/03/2015 17:32

Tiêm vắc xin: Không nhất thiết phải chọn dịch vụ

TTH - Để tiêm phòng cho trẻ, hiện nhiều bậc phụ huynh thường đưa con em đến các điểm tiêm vắc xin dịch vụ. Đó chưa hẳn là sự lựa chọn hay trong khi chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn đạt hiệu quả phòng bệnh cao.

Phụ huynh mê “dịch vụ”

Từ sau tết Ất Mùi đến nay, các phòng tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn trở nên đông hơn bình thường. Phòng tiêm chủng Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thừa Thiên Huế mới đầu buổi sáng đã chật kín người chờ đợi. Đến khoảng 9 giờ sáng, nhân viên y tế của Trung tâm thông báo hết số của buổi sáng. Chị Hoàng Thị Thu Trang, ở Phú Thượng (Phú Vang) đưa con đi tiêm mũi 2, phòng bệnh uốn ván với loại vắc xin dịch vụ 6 trong 1 Infanrix than: “Mới gần 9 giờ sáng đã hết số, nhân viên báo hôm sau trở lại vì buổi sáng chỉ giải quyết 50 trường hợp thôi”. Chị Trang lo lắng vì công việc bề bộn, không có thời gian nên tranh thủ ngày nghỉ đưa con đi tiêm phòng dịch vụ. Thế mà cũng rơi vào tình trạng chờ đợi, thật ngán ngẩm”. Chị nói: “Do các bậc phụ huynh đưa trẻ đến tiêm phòng vắc xin dịch vụ nhiều, trung tâm sợ hụt vắc xin nên mới xảy ra tình trạng trên”. 
Tiêm ngừa vắc xin dịch vụ cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng Thừa Thiên Huế
Tôi lại gặp chị Nguyễn Thị Hồng Phương đưa cháu 5,5 tháng tuổi lặn lội từ thị trấn Khe Sanh, Quảng Trị vào Trung tâm Y tế dự phòng Thừa Thiên Huế tiêm mũi thứ 2 vắc xin 6 trong 1. Phương cho biết: “Ở Quảng Trị hết vắc xin dịch vụ, nên em mới đưa cháu vào đây từ lúc 7 giờ sáng. Lấy số thứ tự 30, giờ cháu vừa tiêm xong, em phải đưa cháu vào phòng hậu tiêm để xem có phản ứng phụ gì không”. Tôi hỏi: “Sao chị không đưa cháu đến trạm tiêm phòng theo chương trình mở rộng mà vào đây vừa xa, lại vừa phải mất tiền”. Chị Phương trải lòng: “Tiêm vắc xin dịch vụ tốt hơn. Khi tiêm không thấy cháu khóc, lại không thấy cháu sốt, nên em yên tâm. Tuy tốn tiền nhưng mình đỡ lo...”.
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, hầu hết đều cho rằng, đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin dịch vụ tốt hơn và an toàn hơn. Đặc biệt, địa chỉ tiêm vắc xin dịch vụ tại Trung tâm Y tế dự phòng Thừa Thiên Huế đã tạo “thương hiệu” tin cậy lớn của các phụ huynh lâu nay. Những ngày qua, không chỉ ở TP Huế mà các huyện, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và rất nhiều phụ huynh từ Quảng Trị, Quảng Bình nườm nượp đưa con cháu đến tiêm phòng, dẫn đến tình trạng quá tải và cho rằng Trung tâm Y tế dự phòng Thừa Thiên Huế thiếu nguồn vắc xin dịch vụ.
 
Tiêm chủng mở rộng vẫn hiệu quả
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Thừa Thiên Huế, một đứa trẻ được phòng ngừa bệnh cao khi thực hiện đúng lịch trình, thời gian theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là: Trẻ khi mới sinh ra được tiêm mũi vắc xin phòng viêm gan B; một tháng sau tiêm ngừa mũi BCG (phòng lao). Từ tháng thứ 2,3 và 4 tiêm ngừa mũi vắc xin 5 trong 1 gọi là Quenvaxem ( phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng phổi-Hib) cộng thêm uống một liều vắc xin Opv (phòng ngừa bại liệt). Đến tháng thứ 9 ngừa thêm một mũi sởi. Sau 18 tháng, tiêm nhắc lại thêm mũi DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván ) và một mũi sởi.
PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thừa Thiên Huế cho rằng, hiện có hai loại vắc xin dịch vụ mà gần đây các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh khan thiếu ở nhiều tỉnh, thành, đó là vắc xin 5 trong 1 Pentaxim của Pháp, phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib (viêm màng não) và vắc xin 6 trong 1 Infarix nhập từ Bỉ phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib. Hiện, ở Thừa Thiên Huế hai loại vắc xin trên vẫn đảm bảo đủ tiêm chủng cho trẻ trên địa bàn ít nhất là 6 tháng (kể từ đầu năm 2015) với tỷ lệ 10-20% số trẻ được sinh ra (toàn tỉnh, bình quân mỗi tháng có khoảng 1 nghìn cháu ra đời).
Giải thích tình trạng quá tải ở điểm tiêm vắc xin dịch vụ tại trung tâm, ông Sơn cho rằng do tâm lý chung các bậc phụ huynh suy nghĩ vắc xin dịch vụ là hàng ngoại, tốt hơn vắc xin trong chương trình mở rộng. Suy nghĩ như vậy là sai lầm. Chưa ai phủ nhận vắc xin trong chương trình mở rộng là không tốt, không phòng ngừa các bệnh hiệu quả. Chính vì thế, các bậc phụ huynh nên đưa con em mình đến các trạm hoặc trung tâm y tế dự phòng để tiêm phòng theo chương trình mở rộng miễn phí mà vẫn đạt hiệu quả cao.
 Ông Sơn cũng thông tin, việc cung ứng vắc xin chương trình mở rộng ở Thừa Thiên Huế luôn đảm bảo. Các cơ sở y tế ở địa phương luôn thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn tiêm chủng, từ việc bảo quản vắc xin, đến tư vấn, kiểm tra sức khỏe trước và theo dõi sau tiêm... Các bậc phụ huynh cần tuân thủ lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nhất là với trẻ em dưới 5 tuổi. Khi được tiêm đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng quy định, sẽ có tác dụng cao nhất phòng, chống tất cả các loại bệnh đã được tiêm cho trẻ.
Bài, ảnh: Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top