ClockThứ Bảy, 01/08/2015 07:41

Tìm giải pháp nuôi tôm bền vững

TTH - Nuôi tôm vốn mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã từng tạo nên những cuộc đổi đời ngoạn mục cho người dân vùng ven biển, đầm phá tỉnh nhà. Song, chính sự phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch lại không tuân thủ các quy tắc, quy định đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thực trạng đó không chỉ làm cho tôm nuôi chết, nhiều chủ hồ phải trắng tay, nợ nần chồng chất mà còn ảnh hưởng môi trường sinh thái biển.

Vấn đề này đã được Báo Thừa Thiên Huế phản ánh nhiều trong thời gian qua và cũng đã được đưa lên bàn nghị sự tại Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Khóa VI. Làm thế nào để vừa phát huy hiệu quả nghề nuôi tôm, vừa đảm bảo an toàn cho môi trường biển? Dưới đây là một số ý kiến của ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Quy trình nuôi tôm áp dụng nghiêm ngặt các tiểu chuẩn kỹ thuật tại Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (Phong Điền). Ảnh: Thái Bình

>> Xử thải kém trong nuôi tôm, môi trường biển lãnh đủ

>> Trả giá đắt cho việc phát triển ồ ạt

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền:

Phải quy hoạch vùng nuôi hiệu quả

Toàn huyện Phong Điền có 530 ha nuôi tôm thẻ chân trắng ven biển (theo quy hoạch sẽ có 900 ha). Thời điểm hiện tại do dịch bệnh hoành hành, môi trường nuôi ô nhiễm, giá tôm thấp, mặc dù đã bước vào vụ nuôi thứ 2 trong năm nhưng chỉ mới thả nuôi hơn 140 ha. Việc xử lý, quản lý chất thải đối vùng nuôi tôm nhằm hạn chế gây ô nhiễm ven biển vùng Ngũ Điền và xã Phong Hải hiện nay đang gặp một số khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng.

Nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, bền vững và không gây ảnh hưởng môi trường ven biển, huyện Phong Điền có chính sách khuyến khích, vận động đầu tư cho các nhóm hộ nuôi tuân thủ quy trình nuôi của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Tuân thủ quy trình nuôi khép kín của công ty này không chỉ đảm bảo yếu tố xử lý môi trường mà còn được bao tiêu sản phẩm, hướng người dân đến sản xuất bền vững… Tuy nhiên, kết quả mang lại vẫn còn rất thấp.

Theo chúng tôi, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những nhóm hộ, công ty nuôi tôm trên địa bàn không đảm bảo các yếu tố, tiêu chuẩn về môi trường. Huyện đang yêu cầu các địa phương tăng cường rà soát lại quy trình cấp đất, thẩm định các thủ tục giấy tờ liên quan nhằm quy hoạch vùng nuôi hiệu quả. Về lâu dài, UBND huyện đã quy hoạch xây dựng hạ tầng nuôi tôm, trong đó có hệ thống xử lý nước thải cho vùng nuôi tôm ven biển. Cụ thể, ở xã Điền Hương đã triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải từ năm 2014 với kinh phí 59 tỷ đồng; tại xã Điền Hòa và Phong Hải đến nay dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung đã được phê duyệt với kinh phí hơn 50 tỷ đồng đang chờ bố trí nguồn vốn.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh:

Cần sớm có kinh phí để quy hoạch lại ao nuôi

Trong điều kiện hạ tầng nuôi tôm chưa đồng bộ, trước mắt, Sở NNPTNT tỉnh khuyến cáo và yêu cầu người dân chấp hành tốt các quy trình, quy định về nuôi tôm công nghiệp. Các địa phương tăng cường vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong quá trình nuôi. Bên cạnh đó, người dân nên giảm tối đa mật độ nuôi, dưới 200 con/m2 là thích hợp nhằm hạn chế dư lượng thức ăn, phân thải bởi đây là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Người dân cần sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý trực tiếp nguồn nước trong ao nuôi; sau khi thu hoạch tôm phải hút bùn ra khỏi ao hồ mới sử dụng hóa chất để xử lý môi trường nguồn nước riêng và xử lý môi trường bùn riêng trước khi thải ra biển.

Sở NN&PTNT tỉnh sẽ phối hợp với UBND huyện Phong Điền tiến hành rà soát, quy hoạch lại hệ thống ao nuôi, ao xử lý, hệ thống cấp thoát nước, ao lắng, ao chứa bùn thải; đồng thời yêu cầu các hộ nuôi chấp hành đúng các quy trình, quy định nuôi tôm công nghiệp. Các hộ được giao đất, cấp đất nuôi tôm phải có báo cáo về quy trình, kỹ thuật nuôi và cam kết thực hiện đúng quy định. Nhà nước cần sớm hỗ trợ kinh phí để Sở NN&PTNT tỉnh và các địa phương lập dự án, triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất. 

T.S Nguyễn Hữu Quyết, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:

Tăng tần suất kiểm tra để quản lý tốt môi trường

Một số kết quả đơn vị chức năng thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) quan trắc được tuy chưa phải trên diện rộng, nhưng đã ghi nhận được một số kết quả ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép về COD, BOD, chất rắn lơ lửng (SS)… tại các điểm xả thải từ các hồ nuôi tôm thẻ chân trắng. Chất lượng nước biển ở những vùng nuôi tôm cũng có hiện tượng bị ô nhiễm cục bộ, có mùi hôi do quá trình phân giải chất hữu cơ từ các hồ nuôi.

Để nghề nuôi tôm trên cát phát triển bền vững, trước hết, người nuôi và chính quyền địa phương cần phải tuân thủ quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt, tránh việc phát triển nuôi tôm ồ ạt vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Các cơ sở nuôi nên thực hiện tuyệt đối theo sự hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn về chất lượng con giống, mật độ nuôi, chế độ cho ăn, vệ sinh hồ nuôi… Đặc biệt hệ thống ao nuôi phải xây dựng đảm bảo theo quy trình, quy chuẩn một cách nghiêm ngặt. Cơ quan chuyên môn thường xuyên tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm. Chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời những cơ sở xả thải không đúng quy định để phản ánh với cơ quan chức năng xử lý ngay.

Là cơ quan quản lý về vấn đề môi trường, Sở TNMT sẽ tăng cường tần suất kiểm tra những vùng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt bộ phận thanh tra của Sở sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường nói chung và việc nuôi tôm trên cát nói riêng.

Hà Nguyên - Hoàng Triều - H.Thương (ghi)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề phòng giông sét khi vào vụ sản xuất

Thời điểm kết thúc vụ đông xuân, chuẩn bị vụ hè thu cũng là lúc nông dân đối diện với giông sét trên đồng khi thu hoạch nông sản. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cảnh báo, người dân cần chủ động phòng tránh, không được chủ quan, làm đồng khi đang có giông sét, tránh rủi ro do bị sét đánh có thể dẫn đến tử vong.

Đề phòng giông sét khi vào vụ sản xuất
Huy động tiền gửi tạo nguồn lực cho tín dụng chính sách

Cùng với nguồn vốn phân bổ từ Trung ương hay vốn ủy thác từ chính quyền các cấp sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phục vụ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, nguồn vốn huy động từ người dân, doanh nghiệp và các tổ chức cũng góp một phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Huy động tiền gửi tạo nguồn lực cho tín dụng chính sách
Nhiều doanh nghiệp vẫn chậm đóng bảo hiểm xã hội

Tình trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho hàng nghìn lao động với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người lao động (NLĐ).

Nhiều doanh nghiệp vẫn chậm đóng bảo hiểm xã hội
Tiếp sức đồng bào dân tộc thiểu số

Với mục tiêu đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong hành trình thoát nghèo bền vững, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện A Lưới thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến người dân để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Tiếp sức đồng bào dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Return to top