ClockThứ Tư, 20/02/2019 08:22

Tình thông gia

TTH - Tiếng là ở Đà Nẵng nhưng nhà ở ngoại ô, với mảnh vườn khá rộng nên nhà vợ nó trồng đủ các loại rau, củ quả, có cả ao nuôi cá nên mỗi khi có khách, thế nào cũng được mời ăn “đặc sản vườn nhà” và còn có quà mang

1. Đứa em từ quê vợ ở Đà Nẵng ra mang theo khá nhiều sản vật. Nó bảo “của nhà trồng được”, mẹ vợ nó gửi ra biếu gia đình tôi; trong đó có nhiều thứ tặng riêng cho mẹ chồng tôi. Lần nào cũng thế, hễ vợ chồng nó ra Huế thế nào bà cũng gửi vài món quà quê.

Tiếng là ở Đà Nẵng nhưng nhà ở ngoại ô, với mảnh vườn khá rộng nên nhà vợ nó trồng đủ các loại rau, củ quả, có cả ao nuôi cá nên mỗi khi có khách, thế nào cũng được mời ăn “đặc sản vườn nhà” và còn có quà mang về. Có hôm gia đình tôi đến chơi, đứa em và anh vợ nó đã làm sẵn con lợn “đẹt” rồi chất gạch đốt than để quay với mật ong. Cá trắm từ hồ được câu lên um dưa chua, ngon không thể tả. Dù làm đủ các món và mời bạn bè cậu em, một vài người thân thiết đến chung vui nhưng mẹ vợ nó vẫn không quên để dành hai cái giò heo, một gửi cho mẹ đẻ, cái còn lại cho mẹ chồng tôi, kèm theo hai con cá trắm, mấy mớ rau và mấy chục cái bánh tráng, loại đặc sản của vùng Hòa Vang gửi ra biếu hai gia đình.

Nhận quà hoài tôi thấy ái ngại, nhưng bà bảo chỉ là chút quà quê, tự cung tự cấp, cũng không tốn kém chi nhiều. Bà là giáo viên, thời gian rảnh ngoài chăm cháu còn dành tâm huyết cho vườn rau, củ quả. Thế nên, trong nhà lúc nào cũng có rau tươi, cá ngon để ăn. Thỉnh thoảng còn để biếu mấy gia đình thông gia, sui gia bà con, lối xóm và lấy đó làm niềm vui.

2. Cũng như mẹ vợ cậu em út, đứa em trai thứ hai cũng có bố mẹ vợ ở quê, vườn đất cũng rộng và nuôi trồng đủ thứ chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình, con cái. Có hôm ông bà từ Nghệ An vào Huế thăm con cháu, áo quần mang theo thì ít mà nông sản chở đầy hai chiếc xích lô, loại nào ra loại nấy và được đóng thùng xốp cẩn thận. Nhà tôi cũng được hưởng lộc lây từ đứa em trai. Nói vậy chứ ông bà chu đáo lắm, quà cho gia đình tôi được gói riêng và lúc nào cũng có ký thịt bê non, con gà kiến đã làm sạch còn rau củ không kể xiết. Có bận nhiều quá phải chia lại cho bạn bè, hàng xóm ăn bớt.

3. Ở phố và cũng không có nhiều thời gian, đất đai hạn hẹp nên nhà tôi chưa bao giờ có được món quà tự trồng, tự nuôi để biếu các gia đình thông gia. Mẹ tôi ở quê cũng vậy. Thỉnh thoảng mới vào thăm cháu nhưng quà mang theo đa số vẫn chỉ là vài chục trứng gà, một ít bánh trái tự làm. Mẹ bảo “không muốn chở củi về rừng”, vì nhà em vợ có đủ cả. Thế nên, mỗi khi vợ chồng em về quê lúc tạt ngang qua nhà, bao giờ mẹ chồng tôi cũng giữ lại để ăn bữa cơm. Dù chỉ là món ăn bình thường nhưng bà bảo ít ra cũng để đáp lại chút ân tình đối với em dâu. Có bận mẹ con tôi làm cơm hến đãi khách, em dâu lần đầu tiên ăn cơm hến dù không biết nêm nếm thế nào cho hợp vị nhưng cũng khen lấy khen để. Lúc về nhà, em kể lại với mẹ và lần nào gặp tôi bà cũng hẹn có dịp ra Huế để được ăn cơm hến do mẹ con tôi làm…

Từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy nhưng bằng cả sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương, tình cảm giữa gia đình tôi và các gia đình thông gia, sui gia ngày càng trở nên gắn bó, thân thiết. Mọi người xem nhau như người thân, anh em trong gia đình. Cứ mỗi dịp có một gia đình đến Huế thăm con cháu và ngược lại hoặc các đại sự, hỷ sự…, “đại gia đình” chúng tôi lại có dịp gặp nhau, cùng ăn bữa cơm thân mật, cùng trò chuyện cởi mở, gần gũi. Con cháu của các gia đình thông gia cũng từ đó mà trở nên thân thiết, gắn bó hơn.

Linh Đan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tình quân dân trong mùa mưa bão

Màu xanh áo lính luôn có mặt ở những nơi hiểm nguy để giúp đỡ, hỗ trợ Nhân dân đã trở thành hình ảnh quen thuộc mỗi mùa mưa bão tại Thừa Thiên Huế. Với bản chất kiên cường, dũng cảm của người lính, các anh đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chãi giúp bà con vượt qua những khó khăn trong thiên tai.

Tình quân dân trong mùa mưa bão
Đừng tập hư cho trẻ

Bây giờ thì nó nói đặc sệt giọng Huế. Sống ở đây lâu ngày đôi lúc nó còn quên cả ba mẹ.

Đừng tập hư cho trẻ
Return to top