ClockThứ Ba, 01/09/2015 10:00

Toàn dân vùng lên

TTH - 9/3/1945, Nhật làm đảo chính Pháp, bộ mặt phát xít Nhật ở Đông Dương đã lộ rõ. Chỉ thị mới của Trung ương Đảng “Nhật Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta”, đã vạch ra cho toàn Đảng, toàn dân một hành động mới, quyết liệt hơn.

Các chi bộ Đảng trong toàn tỉnh đang hoạt động sôi nổi, một mặt tuyên truyền vạch mặt âm mưu của Nhật với bánh vẽ độc lập giả hiệu, một mặt hô hào Nhân dân ta nghe theo Đảng chuẩn bị cho cao trào mới.

Từ tháng 3 đến tháng 6/1945, nhiều cuộc nói chuyện công khai, tuyên truyền vũ trang diễn ra ở ngoại ô Huế và các huyện trong tỉnh. Cán bộ Việt Minh bí mật về các thôn xóm tổ chức các tổ du kích bí mật nắm tình hình của bọn Nhật và ngụy quyền Bảo Đại. Nhân dân cảm thấy có một luồng gió mới đang thổi tới, đang ra sức, háo hức.
Đến đầu tháng 7/1945 phong trào đã trở nên sôi nổi. Các Đoàn Thanh niên cứu quốc được thành lập, nhất là ở vùng nông thôn. Họ đi sâu vào các tầng lớp ở các xã các làng, nói rõ cách mạng do Cụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo đã tới gần, tên tuổi của Cụ đã được loan truyền lâu nay, ai nấy đều tin tưởng. Các đội du kích tích cực rèn thêm giáo mác, chuẩn bị sẵn các loại vũ khí…
Chỉ thị mới của Tỉnh ủy Thừa Thiên sau Nghị quyết lịch sử ở đầm Cầu Hai tháng 5/1945 cụ thể hóa thêm các nhiệm vụ: Củng cố mạnh các tổ chức Đảng, tuyên truyền sâu thấu trong các phần tử trí thức, tôn giáo, thanh niên học sinh; theo dõi hoạt động của Nhật ở Huế và ở nông thôn, ngăn chặn – thuyết phục các hương lý ngụy quyền đi theo cách mạng.
Các cuộc mít tinh được nổ ra ở Phú Lộc đến tận Phong Điền, bà con kéo tới rất đông. Lính Nhật đến làng Phước Tích cướp củi gỗ (để đun lò gồm) sang sửa cầu Mỹ Chánh gần đó đã bị đẩy lùi. Các cuộc nói chuyện của các Đoàn Thanh niên, phụ nữ được tổ chức khắp nơi, buổi tối, buổi khuya.
Ngày 19 tháng Tám đã đến gần. Tôi cùng các nhóm tự vệ tổ chức canh gác bảo vệ cán bộ, có giáo mác hẳn hoi đến từng nhà các lý trưởng, hương kiểm vận động họ đầu hàng cách mạng và tất cả đều run sợ nghe theo.
Sáng 19, toàn dân các làng đã kéo đến đình, chùa, tập hợp để đi giành chính quyền ở huyện Phong Điền quê tôi. Tôi được giao nhiệm vụ dẫn đầu bà con làng Phước Tích kéo về huyện lỵ Phong Điền. Qua các làng Mỹ Xuyên, Mỹ Cang, Trạch Phổ… bà con đi thêm vào rất đông, hàng ngũ chỉnh tề, sôi nổi.
Đúng 10 giờ, tất cả đã tập trung đông đảo, hàng hàng lớp lớp nơi sân huyện đường. Tri huyện và các nha lại đứng nấp vào phía sau. Một phút sau, đồng chí Hoàng Thái, quê làng Phò Ninh tay cầm cờ, bước lên diễn đàn kêu gọi:
“Pháp Nhật đô hộ áp bức chúng ta, Pháp đã bị hất cẳng, Nhật đã đầu hàng đồng minh. Cụ Nguyễn Ái Quốc nay là Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân đứng lên làm cách mạng, lật đổ Nhật Pháp, lật đổ ngai vàng phong kiến, chúng ta hãy đứng lên. Thời cơ có một, lịch sử bước sang trang mới…”.
Muôn ngàn tiếng hô, rừng cờ phấp phới. Viên tri huyện mặt tái mét, xin đầu hàng, nộp khuôn dấu và tiền quỹ chỉ có 23 đồng Đông Dương.
Khí thế ngất trời. Toàn dân tỏa về các làng giành chính quyền ở các xã, các làng. Tất cả đã thành công. Các huyện đều đã làm như vậy. 30/8, Vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu.

 

Lê Trọng Sâm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Ngày 10/5, Sở Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Dự thảo Luật Tư pháp NCTN niên gồm 11 chương, 166 điều, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Dự án Luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 7 tới.

Góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế phối hợp với chiến trường Điện Biên (1953 - 1954)

Giữa năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có nhiều thay đổi quan trọng theo hướng thuận lợi cho ta hơn. Quân ta liên tiếp giành chiến thắng ở Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… dồn địch vào thế bị động. Phong trào chiến tranh nhân dân phát triển mạnh ở khắp các vùng miền, vùng giải phóng được mở rộng thêm.

Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế phối hợp với chiến trường Điện Biên 1953 - 1954
Return to top