ClockThứ Bảy, 03/09/2016 22:12

Tôi thấy mình lớn lên...

TTH - Trước ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, tôi tìm tập nhật ký cũ kỹ của năm 1945 ra đọc để nhớ lại một thời trai trẻ sôi nổi nhưng không phải không đầy âu lo.

Tôi ghi từ ngày đầu năm, sáng mồng 1 tháng Giêng dương lịch mà tôi viết là “Vài lời khai bút”. Tôi không kể lể gì nhiều vì mới tổ chức vui Noel. Hôm nay Tết Tây, chỉ viết vài suy nghĩ cá nhân, đôi lời cầu nguyện cho đất nước bình an, cho gia đình yên vui, các anh em học hành tấn tới. Đối với bản thân, ước mong sao thi đỗ Tú tài, được ra Hà Nội học tiếp Đại học Y Dược để ra làm bác sĩ hay dược sĩ. Năm đó, tôi mới trên 20 tuổi, đỗ xong bằng Tú tài 1 và đang học lớp toán học sơ cấp (Mathématiques élémentaires) ở Trường Khải Định, cuối khóa sẽ thi lấy bằng Tú tài 2.

Sau Tết, ở ngoài đường có một số ô tô lạ chở những lính ăn mặc cũng lạ. Hỏi ra mới biết đó là lính Nhật Bản. Họ đến Huế để làm gì, chẳng ai biết. Dân Huế bắt đầu bàn tán mặc dầu công chức vẫn đi làm ở cơ quan, học sinh vẫn đến trường, chợ Đông Ba vẫn nhộn nhịp. Ai cũng bất ngờ, thình lình tối mồng 9/3, súng nổ vang trời khắp nơi trong thành phố. Đến sáng ngày mai mới biết là quân đội Nhật đã chiếm tất cả các công sở của Tòa Khâm sứ và người Pháp đã đầu hàng. Họ bị bắt tập trung tại khách sạn Morin và Trường Thiên Hựu (Institut de la Providence). Đợi đến gần trưa, cả nhà tôi mới ra cổng đọc cái tờ “bố cáo” mà lính Nhật đã dán từ trước. Trong bố cáo có mấy câu: “từ nay  nước Việt Nam sẽ độc lập và nằm trong Đại Đông Á do Nhật lĩnh đạo”. Thế là cái gì? Té ra nước ta lại bị Nhật chiếm đóng thay Pháp rồi à?

Đầu óc tôi lúc này suy nghĩ lung tung. Bao nhiêu ước mơ có thành hiện thực được không? Tôi căm thù các ông Nhật mặc dầu họ hứa hẹn có vẻ hay ho…

Thế rồi tin tức thời sự căng thẳng đến dồn dập hằng ngày. Tôi biết nghe ai?

Nghe nói Vua Bảo Đại vẫn giữ ngai vàng. Cụ Trần Trọng Kim ở Hà Nội sẽ vào lập Chính phủ ở Huế. Còn các vị Thượng thư của chính phủ Nam Triều xin từ chức. Cụ Phạm Quỳnh có ra một tuyên bố về tình hình mới trước khi rút lui. Chính phủ mới với các vị trí thức có tên tuổi, có bằng cấp cao, đào tạo ở Pháp về sẽ ra mắt nay mai. Khái niệm Việt Nam độc lập lần đầu tiên mới nghe, chưa hiểu rõ nó là thế nào. Trước đây chẳng bao giờ nghĩ đến nó là gì. Ở trường, học lịch sử của Pháp thì hiểu biết khá chi tiết, còn lịch sử của đất nước thì sơ sài…Từ lúc chào đời đến nay, cuộc sống của tôi vẫn an bình, nhưng mấy hôm nay tôi lại cảm thấy hoang mang và hoang mang! Nhưng biết làm gì bây giờ ngoài lao vào đèn sách.

Các trường mở cửa lại, tôi tiếp tục đi học nhưng lúc này dùng tiếng “mẹ đẻ”. Không còn thầy giáo người Pháp nữa. Hiệu trường mới của Trường Khải Định là thầy Phạm Đình Ái.

Lại có những cái mới nữa xuất hiện. Cái tên “Việt Minh” được nói tới trong những câu chuyện riêng khắp nơi, có vẻ bí mật. Ngoài ra còn thấy những tờ truyền đơn viết tay, in bằng thạch trên đường phố hoặc để trước nhà. Những từ như “cách mệnh”, “độc  lập”, “tự do”, “giải phóng” nghe lạ tai và khó hiểu. Cũng không biết hỏi ai ý nghĩa của chúng, cũng không nhờ ai giải thích. Tôi cảm thấy tinh thần không ổn định chút nào.

Lính Nhật thay thế lính Pháp, ngôn ngữ bất đồng, nhiều tiệm bán hàng còn đóng cửa. Lại có thêm tin quân Đức quốc xã Hitler, quân phát xít Ý Mussolini, quân Nhật Bản đã đầu hàng quân đội Đồng Minh. Rồi tin quân Anh đến Sài Gòn, quân Tàu vàng Tưởng Giới Thạch đến Hà Nội và Huế. Quân đội Pháp sẽ được trả lại tự do. Còn đâu nữa cuộc sống thanh bình ngày xưa?

Lại đến cái tin đột ngột: Vua Bảo Đại thoái vị, trao quyền cho Chính phủ Hồ Chí Minh. Tên gọi tắt “Cụ Hồ” là ai? Cụ “Nguyễn Ái Quốc” ký trong bức thư truyền đơn đi đâu? Xuất hiện biểu tình ngoài đường mặc dầu lính Nhật vẫn còn đứng gác.

tập trung ở sân vận động hàng ngàn người, biểu ngữ, cờ vải, cờ giấy, ngôi sao vàng, khẩu hiệu đủ cỡ, khi thì “muôn năm”, khi thì “bất diệt” hô vang xen kẽ tiếng trống to, trống nhỏ. cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên cột cờ bên thành nội. Lần đầu tiên mới thấy dân chúng Huế sôi sục cao độ, không còn hiền lành như trước nữa. Tôi tự giải đáp những sự việc xảy ra vừa rồi là “cách mạng” chứ gì. Liên hệ với Cách mạng 1879 của Pháp, với sự phá nhà tù Bastille, với việc xử trảm Vua Louis 16 và Hoàng hậu Marie Antoinette tôi mới hiểu thêm “cách mạng” là “thế đó”.

Ở Hà Nội, ngày 2/9, Cụ Hồ (bây giờ tôi mới biết hai cái tên Hồ Chí Minh và Nguyễn Ái Quốc là tên của một vị) tuyên bố Việt Nam độc lập.         

Nước Việt Nam là của người Việt Nam, không có chuyện chia cắt làm 3 miền, chia để trị. Bắc bộ bị đô hộ, Trung bộ bị bảo hộ, Nam bộ bị thuộc địa. Đối chiếu với Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, tôi càng cảm thấy thấm thía ý nghĩa của “Cách mạng”, nó mở đầu cho “Độc lập”. Tính chất thiêng liêng của hai cụm từ làm tôi tự hỏi mình phải làm cái gì đây?

Nước Việt Nam xuất hiện trên bản đồ thế giới, nhưng đâu có được yên. Tây muốn trở lại xâm chiếm thuộc địa cũ. “Cậu tú trẻ” là tôi xin phép gia đình  được đi bộ đội để đánh lại ngoại xâm. Không còn đắn đo, chần chừ gì nữa. Tôi thấy mình lớn lên, trưởng thành nhờ hiểu và yêu Cách mạng, mặc dầu tuổi đời mới có 22.

NGƯT. Thân Trọng Ninh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top