ClockThứ Bảy, 06/03/2021 06:45

Tôn vinh vẻ đẹp của áo dài

TTH - Vận động chị em thường xuyên mặc áo dài, tổ chức hội thi ảnh áo dài qua mạng xã hội, tặng áo dài cho phụ nữ nghèo… là cách làm của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh nhằm gìn giữ, khẳng định vị thế áo dài trong xã hội.

Thi ảnh online “Áo dài với di sản văn hóa Huế”Áo dài trên khắp phố phườngĐiểm nhấn cho áo dài

Chị em tiểu thương chợ Đông Ba mang áo dài khi bán hàng

Tự hào khi mang áo dài truyền thống

Những ngày này, qua chợ Đông Ba, khách hàng dễ nhận thấy nhiều tiểu thương hàng nón, hàng nan tre, sành sứ... bán hàng trong trang phục áo dài truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Phương, tiểu thương hàng nan tre chia sẻ: “Khi khoác lên mình áo dài truyền thống, tôi thấy người mình trở nên nhẹ nhàng, thanh lịch và nhắc bản thân phải nhã nhặn trong buôn bán để giữ hình ảnh đẹp của người phụ nữ Huế trong mắt mọi người”.

Còn chị Hoàng Thị Trinh, tiểu thương hàng sành sứ chia sẻ, chị không chỉ mang áo dài khi bán hàng vào những đợt lễ tết do ban quản lý chợ phát động, thỉnh thoảng ngày thường chị vẫn mang áo dài. “Trong những lần họp lớp hay gặp mặt bạn bè, áo dài luôn là trang phục tôi ưu tiên hàng đầu”, chị Trinh cho biết. 

Theo chị Nguyễn Thị Thúy Ngân, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Huế, để áo dài truyền thống dần được hội viên lựa chọn làm trang phục trong cuộc sống hàng ngày, Hội LHPN TP. Huế không chỉ vận động cán bộ, hội viên phụ nữ mang trang phục áo dài vào các dịp lễ, tết, thứ hai đầu tuần, mà còn khuyến khích cán bộ, hội viên phụ nữ mặc áo dài khi cùng gia đình, bạn bè, người thân tham gia các hoạt động cuối tuần như đi chơi, mua sắm, gặp mặt...

Mới đây, Hội LHPN thị xã Hương Trà tổ chức cho cán bộ, hội viên tiêu biểu tham quan các mô hình “Làm tóc giả”, “Đan lát nhựa” và các vườn cây thanh trà phục hồi sau lũ... của các hội viên phường Hương Vân. Điều mới là chị nào cũng trong trang phục áo dài truyền thống.

Chị Trần Thị Thu Điệp, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Hương Trà cho biết, hoạt động nhằm động viên, khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế, nhưng để lồng ghép tuyên truyền, vận động chị em tham gia mang áo dài truyền thống.

Chị Điệp thông tin, thời gian qua, Hội LHPN thị xã Hương Trà triển khai nhiều hoạt động để đưa trang phục truyền thống đến gần hơn với hội viên mình. Đó là tổ chức quay clip “Áo dài với di sản”, với thời lượng 35 phút. Cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn thị xã Hương Trà với tà áo dài nền nã đã cùng nhau tạo hình tại các khu di tích, du lịch nổi tiếng như lăng Minh Mạng, Rú Chá... Clip đã được cắt gọn để đăng website của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh và khi đăng trên trang mạng xã hội facebook đã nhận được hàng trăm lượt like và chia sẻ.

Hiện LHPN Hương Trà đã có kế hoạch tổ chức hội thi “Rung chuông vàng” nhằm tìm hiểu nét đẹp về áo dài; đồng thời triển khai tặng áo dài cho phụ nữ nghèo. “Chúng tôi đã quyên góp được hơn 100 bộ áo dài, dự định sẽ tổ chức trong tháng 3 này nếu dịch COVID- 19 được khống chế”, chị Điệp cho biết.

Ngoài áo dài truyền thống, Hội LHPN huyện Nam Đông và A Lưới còn vận động chị em phụ nữ thường xuyên mang áo dài thổ cẩm riêng của dân tộc mình.

Chị Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới thông tin, hiện 100% cán bộ hội, hội viên nòng cốt của Huyện hội đều có ít nhất 2 bộ áo dài, trong đó có một bộ áo dài bằng thổ cẩm. Nhiều phụ nữ A Lưới đã tự tay dệt những tấm vải áo dài bằng thổ cẩm để tặng nhau, tạo hương sắc riêng về bộ áo dài của phụ nữ vùng cao.

Tiếp tục tôn vinh nét đẹp, giá trị của áo dài

Khi cuộc thi ảnh online “Áo dài với di sản văn hóa Huế” do Hội LHPN tỉnh phát động, hình ảnh người phụ nữ thướt tha trong tà áo dài tràn ngập trang facebook của nhiều cá nhân. Mỗi người mỗi kiểu dáng, mỗi góc ảnh khác nhau, song thí sinh nào cũng tìm cách để tôn vinh nét đẹp trang nhã, dịu dàng của tà áo dài.

Chị Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, cuộc thi ảnh online “Áo dài với di sản văn hóa Huế” đã thu hút hàng ngàn thí sinh dự thi. Ngoài giúp người phụ nữ có cơ hội thể hiện vẻ đẹp duyên dáng của mình qua tà áo dài, cuộc thi sẽ tuyên truyền, tôn vinh nét đẹp và giá trị của áo dài trong đời sống xã hội. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam trong chị em phụ nữ, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của trang phục dân tộc Việt Nam.

Theo chị Kim Loan, để áo dài ngày càng hiện hữu trong đời sống người phụ nữ, ngoài thực hiện lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh mặc áo dài vào ngày thứ 2 đầu tuần, Hội LHPN tỉnh còn phát động tuần lễ áo dài vào những dịp lễ lớn. Từ năm 2020, Hội LHPN tỉnh đã nhân rộng mô hình “Phụ nữ Huế đồng hành cùng sắc tím”, xem đó như bộ áo dài đồng phục trong hệ thống hội. Đến nay, mô hình đã nhân rộng đến toàn bộ các cơ sở hội trên địa bàn tỉnh với hàng ngàn bộ áo dài tím Huế.

Bài: HẢI THUẬN

Ảnh: BQL CHỢ ĐÔNG BA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo

Bằng những hoạt động, mô hình cụ thể như hỗ trợ kinh phí học tập, hỗ trợ nhu yếu phẩm hàng tháng, hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế... Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Đông Ba đã đồng hành, “tiếp sức” cho trẻ em, phụ nữ nghèo, đơn thân trên địa bàn phường để họ có thêm động lực, cố gắng, nỗ lực hơn trong cuộc sống.

“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo
Áo dài Huế, một nét rất riêng

“Áo dài trở thành một nét văn hóa của phụ nữ Việt Nam nói chung. Với phụ nữ Huế nói riêng, áo dài là niềm tự hào, bởi áo dài Huế đã là một thương hiệu được “đóng đinh” trong lòng mọi người. Để áo dài được thăng hoa, tôn vinh thì sự lan tỏa, quảng bá của chị em, của hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Hình ảnh người phụ nữ Huế trong chiếc áo dài truyền thống chính là một nét đẹp, một nét văn hóa rất riêng của Huế”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ tại buổi gặp mặt phụ nữ Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Áo dài Huế, một nét rất riêng
Những “đôi vai mềm” ở chợ đầu mối

Ở chợ Phú Hậu - chợ đầu mối lớn nhất Thừa Thiên Huế, không khí bán buôn bắt đầu tấp nập từ lúc 2 giờ sáng, khi ngày mới vừa chớm qua. Tiếp sau những chuyến xe hàng chở nông sản từ các miền Nam, Bắc ghé chợ là công việc bốc dỡ và vận chuyển hàng giúp các tiểu thương của các chị cửu vạn. Công việc vất vả, nhưng tiền công mỗi chuyến chở hàng nông sản của các chị cũng chỉ được vài ngàn đồng. Có phần nhẹ nhàng hơn nhưng cũng bám chợ vất vả không kém là chị em tiểu thương có sạp hàng ổn định hay các chị “chạy hàng” nhỏ lẻ. Dẫu vậy, khi nói về “ngày của mình”, các chị cũng chỉ đơn giản: Mong gia đình bình an và bản thân đủ sức khỏe để theo chợ, bám việc mỗi ngày.

Những “đôi vai mềm” ở chợ đầu mối

TIN MỚI

Return to top