Thế giới

Tổng thống Mỹ hy vọng người dân Afghanistan sẽ nắm bắt cơ hội hòa bình

ClockThứ Bảy, 29/02/2020 15:25
Lời kêu gọi này được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra khi thông báo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ tham dự lễ ký thỏa thuận hòa bình với lực lượng phiến quân Taliban ở Doha của Qatar.

Nổ lớn gần Đại sứ quán Mỹ ở KabulMỹ hủy đối thoại với Taliban, tiến trình hòa bình Afghanistan bế tắcQuân Taliban tấn công thành phố thứ hai của AfghanistanMỹ và Taliban tiến tới thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hối thúc người dân Afghanistan nắm bắt cơ hội để có một tương lai mới.

Lời kêu gọi này được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra khi thông báo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ tham dự lễ ký thỏa thuận hòa bình với lực lượng phiến quân Taliban ở Doha của Qatar.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Trump nêu rõ: "Theo chỉ đạo của tôi, Ngoại trưởng Mike Pompeo sắp chứng kiến lễ ký kết một thỏa thuận với các đại diện của Taliban trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper sẽ ra tuyên bố chung với Chính phủ Afghanistan.

Cuối cùng, người dân Afghanistan sẽ được quyết định vạch ra tương lai cho họ. Do đó, chúng tôi kêu gọi nhân dân Afghanistan hãy nắm bắt cơ hội hòa bình này và một tương lai mới cho đất nước họ."

Mỹ và Taliban dự kiến ký thỏa thuận hòa bình vào ngày 29/2 tại Doha sau khi thỏa thuận giảm bạo lực 7 ngày được thực thi tại Afghanistan.

Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ rút một phần trong tổng số 12.000-13.000 binh sỹ tại Afghanistan vào cuối mùa Hè này và bước đầu giữ lại khoảng 8.600 binh sỹ.

Kế hoạch rút tiếp số binh sỹ này sẽ phụ thuộc vào tiến trình chính trị ở Afganistan, tương tự cách Mỹ rút quân khỏi Syria hồi năm ngoái nhưng ở quy mô lớn hơn.

Tuy nhiên, các nguồn tin quân sự cho rằng Mỹ chỉ nên rút quân từ từ, tránh để lực lượng còn lại ở Afghanistan trở thành mục tiêu của Taliban hay các tay súng thánh chiến của al-Qaeda cũng như tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban bắt đầu diễn ra từ năm 2018 và đã ít nhất 2 lần bị gián đoạn do các vụ tấn công của Taliban nhằm vào các binh sỹ Mỹ hồi tháng Chín và tháng 12 năm ngoái.

Cuộc chiến tại Afghanistan là cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ.

Các số liệu thống kê cho thấy kể từ khi bắt đầu triển khai quân đội tại quốc gia Nam Á này năm 2001, đến nay số binh sỹ Mỹ thiệt mạng tại đây đã vượt quá 2.400 người.

Đánh giá về thỏa thuận tới đây giữa Mỹ và Taliban, giới quan sát quốc tế cho rằng dù tỏ ra lạc quan về văn kiện này, song Washington vẫn sẽ đối mặt với các thách thức an ninh và các mối đe dọa liên quan đến phiến quân tại Afghanistan, từ việc rút binh sỹ Mỹ về nước tới giải giáp các tay súng phiến quân.

Cựu cố vấn tham mưu trưởng liên quân Mỹ Carter Malkasian cảnh báo tình hình có thể thay đổi nếu như Mỹ rút đi trước khi Taliban và Chính phủ Afghanistan đạt được một thỏa thuận chính trị.

Theo ông, sau khi Mỹ rút quân, Taliban sẽ nhận thấy sự thay đổi trong cân bằng lực lượng và không tuân thủ các cam kết. Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Michele Flournoy cũng cảnh báo nguy cơ Taliban đi ngược lại các cam kết về đảm bảo an ninh.

Bên cạnh những quan ngại trên, một thách thức lớn khác mà Mỹ sẽ phải tính đến là làm thế nào để các tay súng Taliban tái hòa nhập xã hội.

Cựu cố vấn về vấn đề Afghanistan dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama cho rằng một thỏa thuận hòa bình lâu dài đòi hỏi phải hợp nhất các tay súng Taliban với các lực lượng vũ trang Afghanistan, song điều này không hề đơn giản.

Trong báo cáo gần đây, Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR) John Sopko nhấn mạnh rằng việc tái hòa nhập các tay súng là một quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian.

Chính phủ Mỹ sẽ cần hỗ trợ tài chính lớn cho chương trình này, nếu không khoảng 60.000 tay súng Taliban sẽ có nguy cơ quay lại với bạo lực.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xung đột lan rộng trong khu vực ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình ở Yemen

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, ngày 15/4, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Yemen, ông Hans Grundberg, đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng ngày càng leo thang ở Yemen, đồng thời cảnh báo tiến trình hòa bình ở quốc gia Trung Đông này có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong bối cảnh xung đột khu vực ngày càng lan rộng.

Xung đột lan rộng trong khu vực ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình ở Yemen
Châu Á phải tạo điều kiện cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng

Hãng tin The Business Times dẫn lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại lễ bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai châu Á khẳng định, ngay cả khi tồn tại khó khăn song phương, đồng thời để thực hiện hóa lời hứa mà khu vực đưa ra, các nước châu Á nên tiếp tục hợp tác cùng nhau, cũng như đảm bảo sự ổn định cho xã hội nước nhà để thúc đẩy phát triển trong tương lai.

Châu Á phải tạo điều kiện cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng
VIỆN NGHIÊN CỨU HÒA BÌNH QUỐC TẾ STOCKHOLM (SIPRI):
Xây dựng hòa bình, ngăn chặn chiến tranh giúp giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), an ninh lương thực toàn cầu đã trở thành một vấn đề lớn, gắn liền với các cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, Somalia, Syria và nhiều nơi khác. Hơn bao giờ hết, cần có hành động khẩn cấp để củng cố hòa bình, củng cố nền kinh tế nông nghiệp toàn cầu và đảm bảo sản phẩm dinh dưỡng có giá thấp hơn cho mọi người dân, báo cáo mới của SIPRI nhấn mạnh.

Xây dựng hòa bình, ngăn chặn chiến tranh giúp giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực
Return to top