ClockThứ Năm, 15/09/2011 04:25

Trái sim trên đồi

TTH - Trong mớ quà ngày thu ở Huế xưa mẹ đi chợ về có sim. Tôi ở quê, không lạ gì thứ cây trái hoang dại này. Những trái sim nhỏ, cở bằng đầu ngón tay khi chín có màu hồng tím hay sậm đen, bên ngoài có một lớp lông tráng mịn như tơ, bên trong có nhiều hạt. Ăn vào tím cả đôi môi, có mùi vị chát ngọt, càng chín càng ngọt, ăn mãi mà chẳng thấy ớn. Nhưng thú nhất là lên đồi, vào rẫy bất ngờ bắt gặp bụi sim có nhiều trái chín. Trái sim mọng đen, mới nhìn đã thèm. Nhẹ nhàng để đừng làm rung mạnh cành cây mà trái chín rụng đi. Rồi, thư thả từng trái một cho vào miệng để tận hưởng hương vị đặc trưng với những trải nghiệm lạ kỳ.

Sim mọc hoang thành bụi, chen lẫn với các loại cây tràm, cây mua, đó là ở vùng quê tôi, một ngôi làng ven đô có những ngọn đồi thoai thoải. Còn như xưa ở Huế, có cả những đồi sim ở vùng Ngũ Tây phía trong xa hay Ngự Bình, Lịch Đợi bên ngoài này. Bắt đầu ra hoa rải rác từ tháng ba, rộ lên là vào tầm tháng sáu, rồi kết trái để từ tháng bảy, tháng tám âm lịch là đã có sim chín. Có người bảo, gió thu làm phai sắc tím của hoa để dồn tụ với sắc màu đậm hơn thành màu “tím than” trong những trái sim chín tới. Ca dao mình có câu thật gần gụi, dễ thương “Đói lòng ăn nửa trái sim”. Lại cũng với cảm hứng từ sim, Hữu Loan để lại cho đời “Những đồi hoa sim” bất hủ. Lúc nhỏ nghe bài hát phổ thơ của Hữu Loan, tôi cứ mường tượng đến những đồi sim ở Huế một thời.

Tôi đọc sách, nghe nói nhiều về công dụng của sim rừng. Từ trái cây này, có một công ty ở Phú Quốc đã chế thành rượu, công suất ngót nghét hằng năm cả triệu lít. Trái sim kết hợp với hoa và lá sim tạo thành một loại thuốc chữa bệnh viêm gan khá tốt. Người bị suy nhược cơ thể, phụ nữ sau khi sinh bị thiếu máu có thể uống nước sắc từ trái sim kết hợp với đậu đen và lá dâu non. Còn nhiều nữa những công dụng nhưng dưới con mắt của người Huế, trái sim vẫn là loại cây trái ăn chơi, ăn cho vui miệng, kiểu như ăn hạt dưa ngày Tết. Nó không thể thay bữa, không no được cái bụng, càng không phải là thứ sơn hào hải vị như các loại cua ếch, nhưng nói như Trần Dzạ Lữ, một nhà thơ Huế xa quê: “Đi mô Huế vẫn trong tim / Ăn mô cũng nhớ trái sim trên đồi” .
 
Rừng và cả những đồi hoang xưa vùng ven Huế nay đã thành rẫy, thành nương. Bụi sim già bị bứng gốc. Cây sim thành chất đốt. Cuộc sống hiện đại với quá nhiều thứ đồ dùng, vật ăn khiến cho trái sim rừng thân quen nay thành xa lạ. Để tôi như tìm gặp lại nét Huế xưa ngày nào khi vô tình bắt gặp ở phiên chợ chiều vùng quê ven đô những rổ sim nhỏ khép mình trong cây trái vườn nhà. Tối nay nhìn lên tờ lịch treo tường, Huế đã bước vào thu...
 
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top