ClockThứ Ba, 07/03/2017 05:46

Trang trại chờ chính sách, cơ chế

TTH - Kinh tế trang trại (KTTT) được xác định là một trong những mô hình phù hợp, thúc đẩy phát triển sản xuất trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 Rau sạch tại trang trại ở Hương Xuân (TX.Hương Trà)

Yếu và thiếu

Khi mới thành lập cách đây 15 năm, trang trại (TT) của ông Trần Văn Minh ở xã Phong Xuân (Phong Điền) tương đối bề thế. Trên diện tích rộng gần 2 ha, ông Minh trồng cây ăn quả, tiêu, chăn nuôi lợn, gà, đào ao nuôi cá. Một vài năm đầu, tuy thu nhập chưa cao nhưng KTTT giúp hộ ông Minh thoát cảnh nghèo khó.

Mới đây, trở lại thăm mô hình TT của ông Minh, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước cảnh đìu hiu. Những chuồng trại hàng trăm con lợn, trại gà cả ngàn con, hay hàng trăm gốc tiêu, xoài giờ đây không còn. Tại TT chỉ còn duy nhất mấy hồ cá rô phi được xem là hiệu quả, nhưng cũng chỉ thu vài chục triệu đồng mỗi năm.

Ông Minh tâm sự: “Cái khó lớn nhất của nhiều hộ làm TT là thiếu vốn. Chỉ cần một vài vụ thua lỗ sẽ không có vốn tái đầu tư sản xuất. Mấy năm đầu làm TT, giá lợn, gà ổn định, không bị dịch bệnh nên cho thu nhập khá, có điều kiện sản xuất. Mấy năm gần đây, giá cả bấp bênh, dịch bệnh thường xuyên, thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Mô hình TT giờ đây gần như bị hoang hóa vì thiếu vốn đầu tư”.

Nuôi thủy cầm tại một trang trại ở Bình Thành (TX. Hương Trà)

TT ông Hồ Viết Ẩn ở xã Phong Xuân hình thành cùng thời điểm với TT ông Minh, cũng là một trong những TT nổi tiếng một thời, hằng năm cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Giờ đây, TT này cũng lâm vào cảnh “chợ chiều”. Trước đây, tại TT có 5-10 lao động thường xuyên, thì giờ đây không một bóng người. Nợ vay đầu tư làm TT đến nay vẫn chưa trả hết.

“Ngoài thiếu vốn thì việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất là bài toán khó đối với nhiều hộ làm TT. Hầu như chưa có một đơn vị nào hỗ trợ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Cây ăn quả thì phát triển tốt, nhưng ít ra hoa, kết trái, hoặc trái chậm lớn, còm cõi. Khi xảy ra dịch bệnh thì người dân lúng túng trong việc xử lý. Quá trình sản xuất, chủ yếu áp dụng các phương thức truyền thống nên năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, khó tiêu thụ”, ông Hồ Viết Ẩn chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Sỹ, Phó Cục trưởng Cục Thống kê, thành viên Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra nông nghiệp, nông thôn, thủy sản tỉnh đánh giá, hình thành và phát triển đến nay ngót nghét 20 năm, nhưng mô hình KTTT trên địa bàn tỉnh vừa thiếu vừa yếu, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Toàn tỉnh chỉ có 71 TT đủ điều kiện theo tiêu chí mới. Gần 500 TT không đạt chuẩn theo tiêu chí mới vì hoạt động bấp bênh, hiệu quả thấp.

Các loại hình TT chủ yếu là chăn nuôi, chiếm 76,1% và phân bố không đồng đều giữa các vùng, nhiều nhất là ở huyện Quảng Điền (chiếm 45,1%), các địa phương khác chỉ rải rác. Sự hình thành và phát triển TT còn mang tính tự phát, thiếu sự hướng dẫn và hỗ trợ của cơ quan chức năng, chưa đi vào định hướng phát triển chung của tỉnh. Công tác quy hoạch KTTT chưa được quan tâm đúng mức, nhiều TT có quy mô diện tích nhỏ, hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.

Cần có thêm những chính sách hợp lý

Chủ TT Trần Văn Minh ở xã Phong Xuân đề xuất: “Để mô hình KTTT hoạt động có hiệu quả, bền vững, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn đảm bảo quá trình hoạt động sản xuất. Sau những thất bại, thua lỗ do thiên tai, dịch bệnh, người dân cần sự hỗ trợ của các ban, ngành, làm việc với các ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để tái đầu tư. Nhà nước cũng cần có chính sách trợ giá khi giá sản phẩm giảm mạnh nhằm tạo điều kiện cho các chủ TT bớt phần khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính yêu cầu, các địa phương, ban ngành cần rà soát, đánh giá năng lực, hiệu quả cụ thể của các TT trên địa bàn để làm cơ sở, đề xuất tỉnh, Trung ương có chính sách đầu tư một cách hợp lý. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 500 TT không đảm bảo tiêu chí theo quy định; vốn đầu tư bình quân mỗi TT khoảng 180 triệu đồng, trong đó vốn vay chỉ 30%; số lượng TT khá lớn nhưng chỉ có khoảng 35% hoạt động có lãi, còn lại thua lỗ, hiệu quả thấp là vấn đề đáng quan tâm.

Theo các chủ TT, để giải quyết một phần khó khăn về vốn, các địa phương cần sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ TT có điều kiện thế chấp vay ngân hàng. Mức cho vay cần đảm bảo đủ điều kiện sản xuất, hoặc theo nhu cầu thực tế của các chủ TT. Ngân hàng và các ban ngành cũng cần có sự phối hợp trong việc thẩm định tính khả thi khi người dân vay vốn làm ăn nhằm đảm bảo trả nợ theo quy định.

Chủ TT Trần Thị Tỵ ở vùng cát Quảng Điền kiến nghị: “Các ban, ngành quan tâm, hỗ trợ trong việc chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Các chủ TT cần được tham quan các mô hình có hiệu quả trong và ngoài tỉnh để học tập, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn”

Cũng theo bà Tỵ, giá sản phẩm lâu nay không ổn định là do thị trường tiêu thụ chưa rộng rãi, đầu ra bấp bênh. Các cấp, ngành cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp liên kết với người dân để tổ chức sản xuất, tạo ra nguồn sản phẩm đáp ứng yêu cầu, đồng thời bao tiêu sản phẩm.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh- Cái Văn Thám cho rằng, ngoài vốn, kỹ thuật... Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị sản xuất, cung ứng giống, đầu tư cho công tác nghiên cứu, tạo ra nguồn giống chất lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu từng vùng miền.

Công tác quy hoạch, gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng là vấn đề mấu chốt, thúc đẩy phát triển mô hình KTTT. Các vùng KTTT phải bố trí xa dân cư, vì vậy phải xây dựng hệ thống đường giao thông, thủy lợi, điện, xử lý môi trường... đảm bảo phục vụ sản xuất. Về lâu dài, các địa phương, chủ TT kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đảm bảo cạnh tranh trong xu thế hội nhập.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Từ những chính sách, các chương trình, dự án, hoạt động trợ giúp, nhiều hoàn cảnh được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, được nâng cao kỹ năng để giải quyết khó khăn về vật chất và tinh thần.

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội
Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Nam Đông đã mạnh dạn phát triển kinh tế hộ gia đình, không ngừng vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
Return to top