Thế giới

Trung Quốc là động lực quan trọng cho sự phục hồi toàn cầu trong Quý 2/2023

ClockThứ Hai, 13/02/2023 08:59
TTH.VN - Trung Quốc được nhận định sẽ là “động lực quan trọng” cho sự phục hồi toàn cầu trong nửa cuối năm 2023, theo Ngân hàng Standard Chartered. Trong đó, ngân hàng này kỳ vọng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ tăng trưởng 5,8%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 4,9%.

Triển vọng tăng trưởng toàn cầu 2023: Lạm phát đạt đỉnh, triển vọng chậm lạiNền kinh tế Anh đang tụt hậu nhiều hơn so với các quốc gia phát triển khácTăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến giảm vào năm 2023IMF cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầuDân số già hóa của Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu

Phục hồi và tăng trưởng của Trung Quốc hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+

Tiêu dùng ở Trung Quốc, cùng với các biện pháp hỗ trợ chính sách khác được công bố gần đây cho lĩnh vực bất động sản sẽ nâng cao triển vọng cho nền kinh tế rộng lớn trong nửa cuối năm, ngân hàng cho biết trong báo cáo triển vọng kinh tế cho năm tới.

“Việc mở cửa trở lại nền kinh tế cũng sẽ làm tăng hiệu quả của các sáng kiến chính sách (chẳng hạn như các chương trình kích thích, hạn ngạch cho vay và các biện pháp hỗ trợ tín dụng”, ngân hàng cho biết thêm.

Ngoài ra, điều này cũng sẽ hỗ trợ phục hồi toàn cầu trong nửa cuối năm, nổi bật là Mỹ và Khu vực đồng Euro khi các nước này thoát khỏi “những cuộc suy thoái tương đối nông”.

Theo nội dung báo cáo, ngân hàng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu là 2,5% vào năm 2023, chậm hơn so với mức dự kiến 3,4% vào năm 2022. Mặc dù những khó khăn mà hầu hết các nền kinh tế sẽ phải đối mặt vào năm 2022 vẫn sẽ tiếp diễn trong những tháng tới, tuy nhiên, sự phục hồi sẽ diễn ra trong nửa cuối năm 2023.

“Tăng trưởng ở Mỹ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm 2023 và các nền kinh tế ASEAN có thể vẫn sẽ vượt trội so với tăng trưởng toàn cầu nhờ tiêu dùng nội địa ổn định, thị trường lao động lành mạnh và du lịch phục hồi”, nhà kinh tế trưởng của Standard Chartered đảm nhận khu vực ASEAN và Nam Á Edward Lee cho hay.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng kỳ vọng hầu hết các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào nửa đầu năm 2023, cho phép các điều kiện tài chính ổn định ít nhất vào giữa năm.

Trong một ý kiến có liên quan, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2023 lên mức 2,9% vào tháng 1, qua đó ghi nhận một sự cải thiện nhẹ so với dự đoán đưa ra hồi tháng 10/2022 là 2,7%. Điều này được thể hiện rõ nhất trong nhu cầu “phục hồi đáng ngạc nhiên” ở Mỹ và châu Âu, chi phí năng lượng giảm và nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.

Được biết, quỹ đã điều chỉnh triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc từ 4,4% trong dự báo đưa ra hồi tháng 10 lên thành 5,2%. Tuy nhiên, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ “giảm xuống còn 4,5% vào năm 2024, trước khi ổn định ở mức dưới 4% trong trung hạn, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh suy giảm và cải cách cơ cấu chậm tiến độ”.

Nhìn sâu hơn, các động lực tăng trưởng của ASEAN dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi. Ngân hàng Standard Chartered cho biết, tiêu dùng trong nước đã bắt đầu tăng lên, dịch chuyển lao động và du lịch sẽ tiếp tục được cải thiện.

Các quốc gia như Việt Nam tiếp tục được hưởng mức tăng trưởng cao (trong đó, ngân hàng cho biết Việt Nam được dự đoán tăng trưởng mạnh 7,2% vào năm 2023, sau đó tăng lên đến 6,7% vào năm 2024, sau khi phục hồi vững chắc 7,5% vào năm 2022).

Tuy nhiên, các nền kinh tế ASEAN định hướng thương mại nhiều hơn có thể sẽ phải đối mặt với áp lực giảm xuất khẩu khi tăng trưởng toàn cầu suy yếu trong nửa đầu năm nay.

Trên toàn cầu, thương mại thế giới dự kiến sẽ chậm lại do nhu cầu bị dồn nén giảm bớt và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ hạn chế nhu cầu mới. Căng thẳng địa chính trị dự kiến cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự đoán rằng, thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn 1% vào năm 2023, giảm từ mức 2,5% vào năm 2022.

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore nói riêng có thể chứng kiến nhiều “cơn gió ngược” về tăng trưởng hơn là “những cơn gió thuận”. Ngân hàng dự kiến tăng trưởng GDP của Singapore giảm xuống còn 2%, từ mức 3,6% vào năm 2022, chủ yếu là do triển vọng bên ngoài yếu, khi Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm lại do thắt chặt chính sách tiền tệ và lạm phát cao, đồng thời sự phục hồi của Trung Quốc có thể sẽ chậm và gập ghềnh.

Về lạm phát, Standard Chartered cho biết, ngân hàng dự báo lạm phát cơ bản và tiêu dùng trung bình là 5% và 4,4% vào năm 2023, giảm từ mức 6,1% và 4,2% vào năm 2022.

Đan Lê (Lược dịch từ The Business Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
Return to top