Thể thao

Trung vệ dập xứ Huế

ClockChủ Nhật, 20/09/2020 14:00
TTH - Những năm 1990 trở về trước, “thế hệ vàng” của bóng đá Cố đô có đến 4 trung vệ dập được xem “có số má” là: Lê Minh Sỹ Hùng, Hoàng Đình Nghĩa, Nguyễn Quốc Huy và Trần Mậu Trí. Nhiệm vụ chính của họ là càn quét, tranh chấp, ngăn cản các pha tấn công của đối phương.

Khán giả có thể vào sân Tự Do cổ vũ cho CLB bóng đá HuếĐội chủ sân Tự Do gia cố lực lượng bằng “cây nhà lá vườn”Trọng “biển” & Minh “voi”

Sỹ Hùng - Đình Nghĩa, bộ đôi trung vệ dập nổi tiếng một thời của bóng đá Cố đô

1 - Mùa bóng năm 1995, bộ đôi trung vệ dập của Huế là Sỹ Hùng và Đình Nghĩa mới 22 tuổi, tràn đầy sinh lực và chơi rất máu lửa. HLV Ninh Văn Bảo rất yên tâm ở hàng phòng ngự khi có Đình Tuấn đá thòng, còn phía trên đã có Sỹ Hùng và Đình Nghĩa như hai trụ đồng che chắn cho khung thành thủ môn Quý Tâm Anh.

Tôi vẫn còn nhớ trận Huế gặp Đà Nẵng trên sân Chi Lăng, Huế đã thất trận trước đội chủ nhà trong loạt sút luân lưu. Trận đó, khán giả Đà Nẵng không hài lòng với đội chủ nhà và khen cầu thủ số 12 của Huế là Lê Minh Sỹ Hùng khi anh đã vô hiệu hóa số 10 Lê Văn Sinh.

Sỹ Hùng là trung vệ dập đúng nghĩa. Thể hình to, cao, không ngại va chạm, nhất là tài kèm người của anh. Khán giả Huế vẫn còn nhớ cú huých vai thiệt mạnh của số 12 làm cho tiền đạo kỳ cựu Lê Văn Sinh của Đà Nẵng văng ra khỏi đường biên. Sau cú va chạm này, Sỹ Hùng mặt tỉnh bơ, đủng đỉnh đi vô vị trí trước vòng cấm...

Mùa bóng đó, khán giả Huế rất thích Sỹ Hùng, mỗi lần anh tranh bóng, đè người đối phương đều nhận được tiếng vỗ tay rần rần từ khán đài sân Tự Do. Sỹ Hùng tranh bóng với tỷ lệ thành công rất cao, có điều có bóng là anh cứ bấm sang phía sân đối phương mặc cho bóng đi đâu thì đi. Những tiền đạo cứng cựa, như Đình Xuân Thành, Đặng Đạo, Đinh Thanh Hải hay cả như Đặng Trần Chỉnh đều lắc đầu chán nản mỗi khi tranh bóng với Sỹ Hùng...

Chơi bên cạnh Sỹ Hùng là Hoàng Đình Nghĩa. Cũng là một trung vệ máu lửa, không ngại va chạm nhưng Đình Nghĩa chơi “ranh” hơn Sỹ Hùng. Anh ít khi chơi sát người mà chủ yếu là phán đoán để phá bóng. Thỉnh thoảng, Nghĩa cũng mạnh dạn cầm bóng lao lên giữa sân và phát động tấn công. Nói chung là trận mô có cặp trung vệ Sỹ Hùng - Đình Nghĩa là trận đó khán giả Huế khá yên tâm. Tiền đạo đối phương cũng lên bờ xuống ruộng với lối chơi hầm hố của bộ đôi này...

Lê Minh Sỹ Hùng chơi cho Huế đến khi giải nghệ. Còn Hoàng Đình Nghĩa thì vô đầu quân cho Đà Nẵng từ mùa bóng 1998 và sau đó đá cho Hoàng Anh Gia Lai rồi trở về Huế chơi thêm 2 mùa nữa mới giải nghệ.

Sau này, ra lại Huế, Hoàng Đình Nghĩa không còn chơi trung vệ nữa mà chơi ở vị trí tiền vệ. Nghĩa chơi tỉnh táo, kỹ thuật, thỉnh thoảng có những cú vẩy bóng bằng má ngoài điệu nghệ và chính xác cho các đồng đội trẻ lao lên ghi bàn. Còn Lê Minh Sỹ Hùng lúc đó đã giải nghệ. Anh được HLV Đoàn Phùng phân công trong vai trò hướng dẫn viên, mặc quần tây áo trắng, thắt cà vạt đi giữa dẫn hai đội bóng ra sân chào khán giả trước khi trận đấu bắt đầu. Bộ đôi trung vệ hoành tráng ngày nào cuối cùng cũng về với sân Tự Do để cùng nhớ lại một thời vang bóng của mình...

2 - Những năm đó, dự bị cho bộ đôi Sỹ Hùng - Đình Nghĩa là Quốc Huy và Mậu Trí. Quốc Huy (còn gọi là cu Suyễn) vốn là dân điền kinh chuyển qua chơi bóng đá, vì thế anh có điểm mạnh là tốc độ. Nhà Huy ở đâu gần chợ Bến Ngự, là dân nghèo thành thị. Ba của Huy vẫn đạp xe thồ tới sân Tự Do coi con mình thi đấu.

Giã từ sân cỏ đã lâu nhưng Mậu Trí vẫn còn khả năng “làm xiếc” với trái bóng

Huy đá bóng hồn nhiên, vô tư, cứ vô sân là chơi hết mình. Đó cũng là thế mạnh của “cu Suyễn” bởi anh không hề ngán ngại bất cứ đối thủ nào cho dù đó là những danh thủ cứng cựa. Tuy nhiên, điều này cũng khiến khán giả Cố đô rất lo cho anh, bởi có những tình huống anh đá như quên cả chân mình, bất chấp nguy hiểm.

Huy chơi được ở nhiều vị trí từ hậu vệ đến tiền vệ cánh và trung vệ dập. Có lúc anh chơi trung vệ dập rồi cả trung vệ thòng. Sau khi những đàn anh của thế hệ 1995 giã từ sân cỏ, Quốc Huy mang băng đội trưởng của Huế một thời gian. Nhìn tướng tá xù xì trên sân cỏ nhưng ở ngoài đời Quốc Huy hiền, ít nói...

Một cầu thủ cũng khá đa năng của bóng đá Huế đó là số 18 Trần Mậu Trí. Năm 1995, Mậu Trí là hậu vệ, đá phía dưới bộ đôi Sỹ Hùng - Đình Nghĩa. Khi Đình Nghĩa đi rồi thì Mậu Trí đá cặp với Sỹ Hùng. Nhưng có những trận, Mậu Trí được đôn lên đá tiền vệ.

Nhắc đến Mậu Trí là nhắc đến bàn thắng đẹp của anh vào lưới Khánh Hòa mùa bóng năm 2001 trên sân Tự Do. Khi đó, Huế và Khánh Hòa cạnh tranh nhau một suất trụ hạng. Đội bóng phố biển có HLV Riedl dẫn dắt cùng bộ 3 cầu thủ người Hàn Quốc chơi hừng hực khí thế, khiến tuy có lợi thế sân nhà nhưng các học trò của HLV Đoàn Phùng hơi bị lép vế trước lối chơi tấn công của Khánh Hòa.

Bất ngờ ở đầu hiệp 2, Trần Mậu Trí nhận được đường chuyền của đồng đội và thực hiện một cú sút xa tầm 30m. Khán giả trên sân và cả cầu thủ, HLV của cả 2 đội đều không ngờ về cú sút này khi bóng bay theo đường cong và cuộn vào góc cao khung thành thủ môn Khánh Hòa. Cả sân Tự Do lúc đó như vỡ tung với siêu phẩm của Mậu Trí. Một khán giả ngồi cạnh tôi nói: “Tau định chửi là sút tầm bậy ai ngờ...”.

Bàn thắng đó vừa đẹp vừa quý, nó giúp cho Mậu Trí nhận giải “Bàn thắng đẹp nhất tháng”, và quan trọng hơn, giúp Huế năm đó trụ hạng thành công...

Trái với trung vệ thòng, trung vệ dập, là kiểu trung vệ có thể hình lý tưởng và khả năng tranh chấp cực tốt. Mẫu trung vệ này có xu hướng thường lao lên phía trên và chủ động ngăn chặn cầu thủ tấn công đội bạn. Khái niệm trung vệ dập phổ biến những năm 90 thế kỷ trước, khi hệ thống phòng ngự còn phân biệt trung vệ thòng và dập. Sau này thì hệ thống phòng ngự giăng ngang nên khái niệm đó ít được nhắc đến.

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thua ở phút chót

Từ pha đánh đầu chuyền bóng chọc khe của trung vệ Thanh Bình, Quang Hải phá bẫy việt vị lao xuống sút chân trái chéo góc gỡ hòa 2-2 cho tuyển Việt Nam. Đồng hồ chỉ vào phút thi đấu chính thức cuối cùng. Một bàn thắng đầy cảm xúc khi các học trò của ông Troussier đang chơi thiếu người.

Thua ở phút chót
Bóng đá “phủi” chào xuân mới

Có một hoạt động thể thao chào mừng xuân mới thu hút sự quan tâm của nhiều người, là các giải bóng đá phong trào được tổ chức sôi nổi và rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh trong những ngày đầu năm 2024.

Bóng đá “phủi” chào xuân mới
So kè Quả bóng Vàng 2023

28/12 này là kỳ hạn bình chọn cuối cùng, danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam sẽ chính thức có tên chủ mới. Kỷ nguyên thành công mang tên Park Hang - seo đã dừng lại. Người thế chỗ là HLV người Pháp Philippe Troussier đã bắt tay xây dựng lại một nền móng khác biệt. Từ đây các nhân tố mới đã xuất hiện. V. League 2023 và giai đoạn đầu của mùa bóng 2023 - 2024 đã chứng minh năng lực nhìn người của ông Troussier.

So kè Quả bóng Vàng 2023
Giải hạng Nhất Quốc gia 2023 - 2024:
CLB Huế tận hưởng phút giây ngắn ngủi dẫn đầu bảng xếp hạng

Chiến thắng 1-0 trên sân Tự Do trong trận đấu sớm nhất ở vòng 7 giải hạng Nhất Quốc gia 2023 - 2024, CLB Huế lần đầu tiên tận hưởng niềm vui dẫn đầu bảng xếp hạng. Tuy nhiên, đó chỉ là quãng thời gian ngắn ngủi khi chỉ 2 giờ sau đó, SHB Đà Nẵng đã đánh bại CLB Long An với tỷ số 5-2 để lấy lại ngôi đầu từ kẻ láng giềng.

CLB Huế tận hưởng phút giây ngắn ngủi dẫn đầu bảng xếp hạng
Tiếp tục “xem giò” cho Asian Cup

V. League và cả hạng Nhất 2023 - 2024 nữa trở lại vào đầu tháng 12 này. Đây là lúc để HLV Troussier tiếp tục tìm kiếm nhân sự cho đội tuyển Việt Nam, chuẩn bị cho Asian Cup.

Tiếp tục “xem giò” cho Asian Cup
Return to top