ClockThứ Bảy, 31/12/2016 22:13

Tương lai thế giới thời tân Tổng thống Mỹ Donald Trump

TTH - Năm 2016, thế giới không ngừng chuyển động và thay đổi, thể hiện qua rất nhiều sự kiện như khủng hoảng người di cư, tấn công khủng bố, xung đột tiếp diễn ở Trung Đông, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các nước… Trong đó, dấu ấn nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn đối với tương lai thế giới là chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, người đã đưa ra những đề xuất thay đổi chính sách gây tranh cãi trong chiến dịch tranh cử. Dưới đây là một số đánh giá về những tác động có thể đối với nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, nếu những chính sách này trở thành hiện thực.

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ảnh: Reuters

Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông chủ Nhà Trắng tương lai đang xây dựng nội các với định hướng mới. Trong số rất nhiều vấn đề được quan tâm như: chính sách nhập cư, biến đổi khí hậu, cuộc chiến chống khủng bố... có thể nói, chính sách về kinh tế và ngoại giao là hai mối quan tâm hàng đầu, có sức ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi toàn thế giới.

Cơ hội lẫn thách thức đối với kinh tế 

Có thể thấy, cơ hội đối với nền kinh tế Mỹ hiện rõ khi tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh nhất trong hơn một thập kỷ qua và thị trường chứng khoán cũng đạt đỉnh. Đáng chú ý, mức tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt tới 2,9% trong quý III/2016 và tốc độ tăng trưởng quý IV/2016 còn được dự báo cao hơn, vượt tỷ lệ trung bình hàng năm 2,2% trong suốt nhiệm kỳ thứ 2 của ông Obama. Tất cả được cho là nhờ những hiệu ứng tích cực từ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.

Ngoài ra còn có các cải cách thuế hợp lý, như giảm thuế cho những công ty đa quốc gia để thu về lợi nhuận từ nước ngoài; quá trình phi điều tiết hóa khuyến khích các ngân hàng hạ thấp chuẩn vay. Nhờ sự gia tăng trong xây dựng nhà ở và tiêu dùng qua các khoản vay, động lực tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy.

Nước Mỹ dưới thời tân Tổng thống Donald Trump dự kiến có nhiều thay đổi. Ảnh: WSJ

Bên cạnh những cơ hội thấy rõ, nhiều thách thức kinh tế vẫn hiện hữu. Quan điểm chủ nghĩa bảo hộ trong chiến dịch tranh cử của ông Trump cho thấy, vị thế lãnh đạo toàn cầu của Washington buộc phải thay đổi theo hướng rời xa tự do thương mại, toàn cầu hóa và các thị trường mở. Thực tế này dự báo sẽ mang đến bất lợi cho các nền kinh tế mới nổi và những tập đoàn đa quốc gia đang xây dựng chiến lược kinh doanh và mô hình phát triển dựa trên tự do thương mại và dòng vốn mở.

Hơn thế, việc cắt giảm thuế đáng kể và đẩy mạnh chi tiêu công sẽ làm tăng lạm phát, từ đó đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất ngân hàng ở Mỹ, làm đồng USD mạnh lên. Đồng USD tăng giá kết hợp với chủ nghĩa bảo hộ sẽ kéo theo những vấn đề lớn đối với các nước đang phát triển.

Một yếu tố thách thức khác là việc Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay khi ông nhậm chức vào ngày 20/1/2017. Ngay sau tuyên bố đó, lãnh đạo 11 quốc gia thành viên khác của TPP đã khẳng định số phận mong manh của hiệp định này. “TPP sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có Mỹ”, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhấn mạnh. 

Nhắc đến TPP, có lẽ Việt Nam cũng không nằm ngoài các nước bị ảnh hưởng. Tờ Đầu tư Chứng khoán dẫn lời Công ty VinaCapital cho hay, TPP bị trì hoãn sẽ ảnh hưởng một số ngành, bao gồm dệt may và những ngành công nghiệp liên quan. Mặc dù vậy, công ty này lạc quan rằng, FDI nước ta sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng khả quan. Cần lưu ý, chi phí lao động thấp và dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn là những lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài không thể bỏ qua thị trường Việt Nam. VinaCapital khẳng định, việc ông Trump lên nắm quyền sẽ tạo ra ít thay đổi đối với nền kinh tế Việt Nam và các thị trường mới nổi trong ngắn hạn.

Những nét nổi bật trong chính sách ngoại giao

Một trong những vấn đề ngoại giao thu hút nhiều sự quan tâm của thế giới là mối quan hệ giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc. Tạp chí Foreign Policy ngày 20/12 cho rằng, bầu cử Mỹ với chiến thắng thuộc về tỷ phú Donald Trump có khả năng làm thay đổi quan hệ Mỹ-Nga hiện nay theo những cách mới mẻ hơn. Theo đó, có một số khác biệt so với chính quyền Tổng thống Obama, Tổng thống đắc cử Trump hướng tới việc xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Nga. Mối quan hệ “bạn bè” giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ngụ ý cho “sự cải thiện trong quan hệ hai bên”, Foreign Policy nhận định.

Mới đây, tài liệu của Bộ Quốc Phòng Mỹ đánh giá các hướng chính sách an ninh ưu tiên trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump sắp tới cho thấy, nước Nga lần đầu tiên “không có chỗ trong danh sách các mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia Mỹ”. Thay vào đó, bản tài liệu đề cập đến việc các thành viên nhóm chuyển giao của ông Trump sẽ có cuộc họp hàng ngày về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên.

Theo phân tích của giáo sư khoa học chính trị Jean-Pierre Cabestan, “chính quyền thời Tổng thống Trump đang cố gắng gây áp lực nhiều hơn lên Trung Quốc, cô lập Trung Quốc khỏi các quốc gia khác, và xây dựng lại quan hệ với Nga”.

Về phía Bắc Kinh, Reuters ngày 22/12 dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thừa nhận rằng: “Quan hệ Trung-Mỹ sẽ đối mặt với những khó khăn và các nhân tố bất ổn mới”; tuy nhiên, khi 2 bên tôn trọng và cân nhắc đến các lợi ích cốt lõi của nhau thì mối quan hệ này sẽ vẫn ổn định.

Đối với NATO, ông Trump từng tuyên bố liên minh quân sự này đã “lỗi thời” và là một “thỏa thuận tồi” đối với Mỹ, chỉ trích các nước đồng minh NATO không chi đủ tiền cho quốc phòng, trong khi Mỹ phải trả quá nhiều. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, có thể có những điều chỉnh trong quan hệ NATO-Mỹ, nhưng nước Mỹ sắp tới cũng khó bỏ mặc liên minh quân sự này, vì rõ ràng, Mỹ vẫn luôn cần một đồng minh lâu đời và hiệu quả như châu Âu.

Trong các vấn đề châu Á, tờ Nikkei cho rằng, nhiều khả năng ông Trump sẽ giữ lời hứa đầu tư nguồn lực lớn hơn cho quân đội, có thể cho phép Hải quân và Không quân Mỹ bắt đầu các chiến dịch trinh sát và tự do hàng hải nhiều hơn ở Biển Đông, hợp tác với Nhật Bản tham gia tuần tra trên không và trên biển trong vùng biển tranh chấp, đồng thời nhiều khả năng sẽ tăng cường liên minh và quan hệ đối tác với các quốc gia châu Á quanh Trung Quốc.

Riêng với Việt Nam, trong cuộc điện đàm hôm 14/12 với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống đắc cử Donald Trump “đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam, cũng như những phát triển tích cực trong quan hệ song phương”. Ông khẳng định mong muốn hợp tác với Việt Nam, nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Thực tế, sức ảnh hưởng và khả năng hiện thực hoá của các chính sách kinh tế, ngoại giao... chỉ có thể được đánh giá chính xác sau một thời gian nữa, khi tân Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức. Nhiều khả năng cho thấy, ông Trump sẽ theo đuổi xu hướng có phần ôn hòa hơn so với những quan điểm cứng rắn trước đó

QUYÊN THẢO

(Tổng hợp & lược dịch từ Business Insider, WND, CNBC, Foreign Policy & Reuters)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não

Trong một động thái lịch sử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, Nigeria đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại vaccine 5 trong 1 mới “mang tính cách mạng” chống viêm màng não, nhằm bảo vệ con người, chống lại 5 chủng vi khuẩn não mô cầu chính là A, C, W, Y và X.

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não
Return to top