ClockThứ Sáu, 07/12/2018 14:57

Tuyên chiến với nạn ma túy - Bài 1: Tiềm ẩn nguy cơ

TTH - Thừa Thiên Huế chưa phải là điểm nóng về ma túy. Tuy vậy, tệ nạn ma túy đang có xu hướng tăng và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Chưa kịp phi tang ma túy đã bị bắtNỗi đau mang tên “ma túy”Hương Thủy ngăn ngừa nghiện ma túy, lây nhiễm HIV tại cộng đồng

Huế dù được đánh giá là thành phố yên bình và thơ mộng nhưng vẫn có những điểm tiêm chích, sử dụng ma túy.

 Kim tiêm vứt bừa bãi ngay bãi đất trống cạnh Trường THCS Tôn Thất Tùng. Ảnh: TL​

Chuyện của con nghiện

Từ A Lưới, H. lần thứ hai vào cai nghiện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. Cách đây 2 năm, H. đi cai nghiện tự nguyện rồi lại tái nghiện, lần này là bắt buộc theo quyết định của tòa án. Mới 20 tuổi nhưng H. có đến 6 năm nghiện ma túy. Nghỉ học năm lớp 8, từ 11-12 tuổi, H. đã hút bồ đà, tuổi trẻ của em chìm vào ma túy. H. thú nhận: “Mấy năm sau này, em “chơi” dày quá không làm việc nổi. Sáng mở mắt ra đã nghĩ đến nó, cả ngày chỉ luẩn quẩn tìm cách xoay “hàng” để chơi. Để có tiền chơi ma túy, ngoài số tiền gia đình phải chu cấp hàng ngày, em cũng phải đi lừa lọc người khác”.

Nghiện heroin nên thời gian đầu mới cai nghiện, H. vật vã mỗi khi lên cơn. H. kể: “Mỗi lần lên cơn, em vã ghê lắm, cảm giác như có sâu bọ bò trong xương, tay chân như bị rút ngắn lại, nước mắt, nước mũi túa ra... Lúc ấy, em như một người điên”. Sau 5 tháng cai nghiện, H. bảo mình đã ổn, không còn thèm khát. Khi gặp tôi, H. vừa theo cán bộ trung tâm đi sửa điện về, em trò chuyện khá cởi mở: “Lúc nhỏ em nhận thức hạn chế, thấy mấy anh chơi, em cũng xin chơi cho biết rồi không dứt ra được. Cũng vì em phá phách, nghiện ngập nên ba mẹ em đổ bệnh, nhà cửa tan nát. Giờ em quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời, trở thành người tốt cho ba mẹ an lòng”.

Mới 22 tuổi, gương mặt trông rất hiền nhưng M. cũng là tay chơi nghiện ma túy đá. Quê ở Phú Lộc nhưng M. sang Lào cùng bố mẹ làm nghề sửa chữa ô tô. Nghiện ma túy từ khi còn ở quê nhà, sang Lào, M. vẫn tiếp tục sử dụng. Phát hiện ra con trai nghiện, cha mẹ của M. đưa em từ Lào về Trung tâm Bảo trợ xã hội cai nghiện mấy tháng nay. M. bộc bạch: “Từ lời rủ rê của bạn bè, em thử ma túy đá cho biết vì nghe nói nó không gây nghiện. Nghĩ mình làm được thì chơi được, suy nghĩ sai trái ấy khiến em tiêu tốn 500.000 đồng - 1 triệu đồng mỗi ngày cho ma túy. Phát hiện ra em nghiện, ba mẹ rất đau khổ. Thương ba mẹ, em quyết tâm vào đây cai nghiện để lấy lại niềm tin của gia đình”.

Trung tâm Bảo trợ xã hội hiện có 11 học viên cai nghiện, trong đó có 2 đối tượng bắt buộc. Các đối tượng đều còn rất trẻ, chủ yếu nghiện ma túy đá và cỏ Mỹ. Khi được hỏi, những người cai nghiện ở đây đều tỏ ra hối hận. Họ muốn hoàn lương. Tuy nhiên, hành trình ấy rất gian nan phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là ý chí quyết tâm, bản lĩnh của bản thân và môi trường sống. Thực tế, việc cai nghiện thành công rất hiếm hoi, tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện lên đến 90%. Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội vẫn còn nhắc đến trường hợp đáng tiếc của một học viên cai nghiện. Người học viên ấy đã cai nghiện ở trung tâm đến 4 năm, ăn 3 cái Tết ở trung tâm không dám về nhà vì sợ tái nghiện. Vậy nhưng, một lần về thăm người bạn từ nước ngoài về, anh ta tử vong vì sốc ma túy.

Tràn lan tụ điểm tiêm chích

Trừ những lúc học sinh đi học, con đường vào Trường THCS Tôn Thất Tùng (kiệt 245 Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc) khá vắng vẻ. Không ai ngờ trên đường đến trường của học sinh lại là nơi lui tới của các đối tượng… nghiện ngập. Trên bãi đất trống ở điểm giáp ranh giữa phường Phường Đúc và Thủy Xuân, cạnh Trường THCS Tôn Thất Tùng, la liệt kim tiêm. Hàng ngày, học sinh vẫn chứng kiến cảnh con nghiện tiêm chích ma túy. Bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Tôn Thất Tùng, bức xúc: “Tệ nạn ma túy diễn ra ngay ban ngày, đập vào mắt học sinh. Nhiều thanh niên tạt vào tiêm chích chớp nhoáng, học sinh đứng trên lầu nhìn xuống xì xầm, chỉ trỏ... Đây là điều không thể chấp nhận được trong môi trường sư phạm”.

Những điểm giáp ranh giữa phường Phường Đúc với Thủy Xuân, Thủy Biều, như: con hẻm nhỏ trên đường Huyền Trân Công chúa, cồn mồ Lịch Đợi, chân cầu Dã Viên cũng trở thành điểm tiêm chích. Dưới gầm cầu Dã Viên, không khó để quan sát cảnh những con nghiện sử dụng ma túy. Anh P., cộng tác viên của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội chỉ vào một thanh niên xăm trổ đầy mình vừa ngồi lên chiếc xe bên đường. Chiếc xe lao đi, chỗ anh ta vừa đứng là chiếc kim tiêm mới toanh. Ở khu vực này, những chiếc ca nô bị hỏng của cảnh sát đường thủy trở thành nơi “trú ẩn” sử dụng ma túy, ăn và ngủ của các con nghiện. Ông Hồ Đắc Hùng, Chủ tịch UBND phường Phường Đúc, cho hay: “Phường Đúc có vài điểm bán ma túy nên các đối tượng nghiện dạt về đây mua và tiêm chích. Người dân rất bức xúc bởi ma túy ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên, kéo theo nỗi lo con cái cũng bị lôi kéo. Thực tế, đã có nhiều thanh niên bị rủ rê sử dụng ma túy”.

Thoạt nhìn, con đường dài khoảng 600m nối từ kiệt 56 đến kiệt 16 đường Duy Tân (tổ 19, phường An Cựu) cũng bình thường như bao con đường khác. Nhưng, nó lại là nơi “tập kết” của những con nghiện. Mới 10h30 sáng, ông N., cộng tác viên Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội chỉ cho tôi thấy ở bên đường, hai thanh niên đang gục đầu trên ngôi mộ sau khi “phê” thuốc. Hàng ngày, tầm 6h30 chiều đến 2h sáng, con hẻm này không bình yên khi nhiều con nghiện dạt về tìm… hàng. Thanh niên tụ tập nhiều khiến người dân thấp thỏm không yên. Ban Bảo vệ tổ dân phố tăng cường tuần tra, đẩy đuổi nhưng không ăn thua. Mỗi khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, các đối tượng bỏ chạy, rồi lại đâu vào đấy. Gần khu vực này có 6 đối tượng nghiện.

Cuộc chiến với ma túy là cuộc chiến cam go, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của toàn xã hội.

Minh Hiền (Còn nữa)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn

Công tác phòng, chống ma túy (PCMT) và nhân rộng mô hình chuyển hóa tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn TP. Huế đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn
Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (DCGC), ngày 23/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ DCGC. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất vi rút DCGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm
Return to top